Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ ngày càng được khẳng định là một biện pháp quan trọng góp phần giảm thiểu tai nạn bom mìn vật nổ, đặc biệt là trên các khu vực bị ô nhiễm bom mìn Việt Nam nặng.
Sáng 26/3, tại Hà Nội, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) tổ chức hội thảo với chủ đề "Xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Phát biểu khai mạc, Đại tá Lê Quang Hợp - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam cho biết, ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác rà phá, làm sạch các vùng đất bị ô nhiễm bom mìn và giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khắc phục hậu quả chiến tranh ngày càng được hoàn thiện, thể hiện rõ trong nhiều văn bản quan trọng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo triển khai sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn đã thu được nhiều kết quả quan trọng góp phần giảm thiểu tai nạn bom mìn. Tuy nhiên, do hệ thống văn bản pháp lý còn chưa đồng bộ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp có lúc còn chưa được quan tâm đúng mức, tình hình tai nạn bom mìn tuy có giảm những vẫn còn sảy ra và vẫn là nguy cơ tiềm ẩn. Quyết định số 748/QĐ-TTg ngày 22/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia khắc phục hậu quả bom mòn Việt Nam sau chiến tranh giai đoạn 2023 - 2025 đã xác định “Xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục nguy cơ tai nạn bom mìn làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và nội dung thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu đồng bộ, thống nhất trong phạm vi toàn quốc”.
Trong quá trình chuẩn bị dự thảo VNMAC và Tổ nghiên cứu đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia với sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm rất cao của các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, thành viên Ban Chỉ đạo, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan tới lĩnh vực giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn.
Theo Đại tá Nghiêm Xuân Long, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam: Sau chiến tranh, vấn đề ô nhiễm và tai nạn bom mìn vật nổ tại Việt Nam vẫn còn nặng nề, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người dân và toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh quốc gia. Bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh không thể khắc phục trong thời gian ngắn. Theo số liệu tổng hợp đến hết năm 2024 vẫn còn gần 5,6 triệu ha đất còn bị ô nhiễm bom mìn vật nổ, chiếm khoảng 17,71% diện tích đất tự nhiên.
Chủng loại bom mìn vật nổ đa dạng, biến động phức tạp, chịu ảnh hưởng của thiên tai, mưa bão và biến đổi khí hậu, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của trung ương và địa phương còn xảy ra tai nạn bom mìn. Nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có cả thành phố lớn vẫn tiếp tục phát hiện bom mìn vật nổ, thậm chí là trong khu vực đông dân cư .
Tai nạn, thương vong do bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra là vấn đề mà Nhà nước, cộng đồng xã hội đặc biệt quan tâm bởi tính chất nguy hiểm, ảnh hưởng tới an toàn, đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Theo thống kê, tính từ năm 1964 đối với miền Bắc, từ năm 1975 đối với miền Nam đã có tổng số hơn 42.135 người chết và hơn 62.163 người bị thương do bom mìn vật nổ gây ra
Từ thực tiễn trên và các bài học kinh nghiệm thành công của chương trình khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ ngày càng được khẳng định là một biện pháp quan trọng góp phần giảm thiểu tai nạn bom mìn vật nổ, đặc biệt là trên các khu vực bị ô nhiễm bom mìn Việt Nam nặng. Vì vậy, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ đã và đang là một nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn trong nước thời gian qua, nghiên cứu các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, việc huy động, bố trí nguồn lực và nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Chiến lược; đề xuất, kiến nghị hoàn thiện Chiến lược trọng tâm là các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho công tác giáo dục nhằm hạn chế, tiến tới không còn người dân nào bị tai nạn bởi bom mìn vật nổ do chiến tranh để lại./.