Văn hóa

Xây dựng chính sách mới tạo động lực để nghệ sỹ yên tâm cống hiến

Nghị định khi được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phụ cấp, bồi dưỡng nhằm tạo động lực để viên chức, người lao chuyên môn yên tâm công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Qua nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và tổng hợp các ý kiến của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị nghệ thuật công lập trực thuộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thấy cần thiết phải thay thế Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg bằng Nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Nghị định này hiện đang được xây dựng, hoàn thiện, trong đó quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn, tuổi nghỉ hưu đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong đơn vị nghệ thuật công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật.

Cụ thể, đối tượng hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, bao gồm: Người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch, dàn nhạc giao hưởng; diễn viên tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối nước, nhạc kịch opera , vũ kịch (ballet), kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể, kịch câm; người biểu diễn nhạc cụ hơi; kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng. Cùng với đó là người chỉ huy dàn hợp xướng, dàn nhạc sân khấu truyền thống; hát dân ca, hát mới, múa rối cạn, múa đương đại, múa dân gian dân tộc, múa hát cung đình, múa tạp kỹ; người biểu diễn nhạc cụ dây, nhạc cụ gõ, nhạc cụ bàn phím.

Các nhạc công trong dàn nhạc.
Ảnh: Tuấn Minh /TTXVN

Đối tượng hưởng chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn là người trực tiếp tham gia luyện tập, biểu diễn và phục vụ công tác biểu diễn, bao gồm: Các đối tượng nêu ở trên; người chỉ đạo nghệ thuật buổi diễn chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu; trưởng, phó các đơn vị nghệ thuật và trưởng, phó các đoàn biểu diễn trực thuộc. Cùng với đó là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị nghệ thuật công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng đề cập đến đối tượng được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng áp dụng với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn theo nghề hoặc công việc có điều kiện lao động loại IV, V và VI thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”.

Đơn vị nghệ thuật công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc lực lượng vũ trang được áp dụng quy định tại Nghị định này, các quy định của Đảng và của pháp luật khác có liên quan.

Nghị định khi được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phụ cấp, bồi dưỡng nhằm tạo động lực để viên chức, người lao chuyên môn yên tâm công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, góp phần sáng tạo ra các tác phẩm chất lượng cao phục vụ nhân dân; tạo điều kiện cho người lao động được hưởng chế độ ưu đãi về tuổi nghỉ hưu khi đã hết tuổi lao động nghệ thuật.

Điều này phù hợp với chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: “Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà. Bên cạnh việc tập trung nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, cần phải chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay”.

Thanh Giang

Xem thêm