Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.
Ngày 27/12, Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2025 - 2030) tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Quảng Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”.
Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, chia sẻ, thảo luận; qua đó, góp phần làm rõ những vấn đề về lý luận và thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Quảng Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; cung cấp các luận cứ khoa học, số liệu, nhận định, đánh giá quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh thời gian qua, làm cơ sở để xây dựng nội dung Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết chia sẻ, Quảng Nam có điểm xuất phát thấp, là tỉnh nghèo, khó khăn nhất nhì cả nước ở thời điểm tái lập năm 1997. Sau hơn 27 năm xây dựng và phát triển, đến nay Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu và dấu ấn quan trọng.
Những kết quả đạt được quan trọng chặng đường vừa qua, xuất phát từ việc Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Đến nay, đội ngũ cán bộ của tỉnh đã từng bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Để mục tiêu này sớm trở thành hiện thực, việc xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Quảng Nam hiện nay.
Nhiệm vụ này càng trở nên cấp thiết trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số và thực hiện quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Các ý kiến thảo luận và tham luận tại hội thảo đã làm rõ một số nội dung chính, gồm: Vị trí, vai trò, yêu cầu và sự cần thiết, cấp bách của việc xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh; cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh; đánh giá cơ bản mặt được, chưa được trong xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh thời gian qua...
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất phương hướng, giải pháp và một số cách làm mang tính đột phá, quyết liệt hơn để tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh thời gian tới. Các ý kiến đều thống nhất cao với quan điểm phải tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Quảng Nam đủ phẩm chất, đủ năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, ngang tầm nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trên cơ sở quán triệt, nghiêm túc thực hiện đúng quan điểm, đường lối chủ trương, nguyên tắc của Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cấp, ngành và người đứng đầu về tầm quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, tỉnh cần có cơ chế mới mang tính đột phá về tuyển dụng cán bộ và thu hút nhân tài; có chiến lược, kế hoạch, tầm nhìn dài hạn trong tuyển dụng cán bộ, chuẩn bị nguồn ngay từ khâu đầu vào. Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng thi tuyển công chức, viên chức, đảm bảo công khai; đẩy mạnh thực hiện chủ trương thu hút tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, ưu tiên tuyển dụng người tốt nghiệp đại học trở lên ở các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, các đại biểu đề xuất tỉnh cần có cơ chế khuyến khích sinh viên xuất sắc người địa phương sau khi tốt nghiệp về công tác tại quê hương, cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh thực hiện chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia, quản lý giỏi, quản trị doanh nghiệp trẻ làm việc trong các cơ quan hệ thống chính trị, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực mũi nhọn.
Về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhiều ý kiến đề nghị tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch cấp ủy theo hướng đảm bảo tính đổi mới, đột phá, đồng bộ, liên thông, thống nhất giữa các cấp, ngành, có tính dài hơi, kế thừa, phát triển và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.
Trên cơ sở quy hoạch cán bộ phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, gắn với chức danh, vị trí công việc và theo yêu cầu cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị; chú trọng đào tạo các ngành nghề gắn với Quy hoạch tỉnh, đào tạo cán bộ cho miền núi; có cơ chế, chính sách đột phá trong bố trí, sử dụng cán bộ giỏi, cán bộ trẻ, tài năng đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng, phù hợp để nâng cao tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ lãnh đạo, quản lý…/.
- Từ khóa:
- cán bộ
- tình hình mới
- Quảng Nam
- đại hội đảng bộ