Xây dựng Đảng

Xây dựng, hoàn thiện các văn kiện, bảo đảm chất lượng và tiến độ

Lạng Sơn

Việc xây dựng, thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội cần bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn của tỉnh.

Quá trình xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể; bám sát thực tiễn, nhất là yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới... Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, tổ chức ngày 23/10.

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn - Trưởng Tiểu ban Văn kiện khẳng định: Xây dựng, thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII là nội dung quan trọng của công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội, nhằm hoàn thiện văn kiện, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra để trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Việc xây dựng, thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội cần bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn của tỉnh; tiếp tục đổi mới về nội dung, phương pháp, cách thức thực hiện, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, có tính khả thi cao.

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn phát biểu tại Hội nghị. 
Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn lưu ý, báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác, do đó phải đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Báo cáo cần chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, báo cáo chính trị cần tiếp thu những quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng lớn trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng; căn cứ vào Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều kiện thực tế của tỉnh, dự báo tình hình những năm sắp tới. Từ đó xác định rõ phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025 - 2030 sát với tình hình thực tế và có tính khoa học, khả thi cao, chú ý các nhiệm vụ, giải pháp đột phá với tầm nhìn dài hạn.

Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải có tính chiến đấu, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; đánh giá đúng, khách quan, toàn diện, trung thực về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025; kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Báo cáo kiểm điểm cũng cần chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân; đồng thời, phải đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp nhằm sửa chữa, khắc phục trong nhiệm kỳ 2025 - 2030./.

Vũ Văn Đạt

Tin liên quan

Xem thêm