Khoa học

Xây dựng khung pháp lý trong quản lý Tài sản số nhằm bảo vệ người dùng và truy thu thuế

Đà Nẵng

Quy định pháp luật về tài sản số giúp đảm bảo sự tuân thủ, nghiêm minh và bảo vệ quyền lợi của các bên.

Nhiều sinh viên, giới trẻ thành phố Đà Nẵng quan tâm đến lĩnh vực quản lý Tài sản số. 
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Ngày 28/8, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản số với chủ đề “Vai trò của cộng đồng trong giám sát tuân thủ quy định pháp lý”, thu hút đông đảo đại biểu tham dự.

Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng thông tin, thành phố đã đặt nhiệm vụ trọng tâm phát triển các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi có thể đi tắt đón đầu, khả năng bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain)… Trong đó, blockchain được xem là “chìa khóa” cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin. Trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố luôn mong muốn thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp công nghệ, nhà đầu tư đến với Đà Nẵng để nơi đây trở thành một điểm đến về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh, quy định pháp luật về tài sản số giúp đảm bảo sự tuân thủ, nghiêm minh và bảo vệ quyền lợi của các bên. Còn quy tắc đạo đức, tiêu chuẩn cộng đồng sẽ giúp củng cố niềm tin và thúc đẩy sự thực thi quy định pháp lý từ chính cộng đồng. Các quy tắc đạo đức và tiêu chuẩn cộng đồng ở lĩnh vực nào cũng quan trọng, nhất là với các lĩnh vực đang ở “vùng xám”, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ như tài sản số.

Ông Võ Quang Vân, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an thành phố Đà Nẵng cho rằng, đối với lĩnh vực tài sản số, cộng đồng có 3 vai trò chính. Đó là: Thước đo kiểm chứng tính đúng đắn, phù hợp của các văn bản pháp luật; đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong quá trình thực thi pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; giúp các cơ quan ban hành và thực thi pháp luật nhận thấy hạn chế, thiếu sót để điều chỉnh phù hợp.

Ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Đà Nẵng trình bày tham luận. 
Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Tại sự kiện này, ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đã chia sẻ Nghị quyết 136/2024/QH15 do Quốc hội khóa XV về việc tổ chức chính quyền đô thị, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng nhằm ưu tiên thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó có quy định về việc giao quyền và trách nhiệm cho Đà Nẵng thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới (sandbox) kèm theo ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp đạt điều kiện...

Theo báo cáo từ Hội đồng Đại Tây Dương, tính tới tháng 8/2024 đã có 12 nền kinh tế (chiếm tổng 57% GDP toàn cầu) thuộc nhóm G20 đã chính thức luật hóa tài sản số. Đáng chú ý là kể cả ở các quốc gia đã có hành lang pháp lý về tài sản số thì tỷ lệ trốn thuế và báo cáo sai về giao dịch tài sản số, tài sản mã hóa cũng đang ở mức rất cao. Nguyên nhân là do hướng dẫn thuế chưa rõ ràng, thiếu thông tin, giao dịch ngoài nghĩa vụ báo cáo.

Theo báo cáo của Công ty phân tích Chainalysis (Hoa Kỳ), dòng tiền mã hóa về Việt Nam đã đạt mức 120 tỷ USD/năm, với số lượng người dân sở hữu tài sản mã hóa đạt 17,4%, đứng thứ 7 thế giới. Do thiếu cơ sở pháp lý để quản lý thị trường này nên thực tế còn nhiều hệ lụy đang diễn ra như lừa đảo, trốn thuế/thất thu thuế, huy động vốn trái phép, khiến nhà đầu tư bị thiệt hại nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều sàn giao dịch tài sản số đang hoạt động không phép và quảng bá dịch vụ phi pháp, tràn lan tới nhiều người dùng mà chưa có bất kỳ chế tài nào để quản lý nhằm bảo vệ người dùng và truy thu thuế./.

Trịnh Quốc Dũng

Xem thêm