Xã hội

Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại "quê lúa"

Thái Bình

Với phương châm “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, tỉnh Thái Bình đang dồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Sau nhiều năm triển khai, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, diện mạo nông thôn tại tỉnh thay đổi rõ rệt, hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được đầu tư nâng cấp. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.

Diện mạo nông thôn mới của xã Vũ An (huyện Kiến Xương, Thái Bình)
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Xã Vũ An, huyện Kiến Xương là một điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao của tỉnh Thái Bình. Từ một xã thuần nông với cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, Vũ An đã vươn lên trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, đến nay tiếp tục hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.  

Ông Phạm Văn Kỷ, Chủ tịch UBND xã Vũ An cho biết, để đạt được thành công này, Vũ An có sự vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã…; tập trung huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, từ ngân sách nhà nước đến đóng góp của doanh nghiệp và nhân dân. Tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã đạt gần 36,3 tỷ đồng. Nguồn lực này được phân bổ hợp lý, tập trung vào các công trình trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã Vũ An đạt 68 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 1,57%. Trường học được xây dựng khang trang, sạch đẹp với môi trường học tập hiện đại, thân thiện… 

Diện mạo nông thôn tại tỉnh Thái Bình có nhiều đổi thay, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

 Theo báo cáo của Chi Cục Phát triển Nông thôn và Quản lý chất lượng (Sở Nông nghiệp và Môi Trường tỉnh Thái Bình), đến nay, toàn tỉnh đã có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình trong việc xây dựng nông thôn mới.  

Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 4/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt gần 4.024 tỷ đồng. Thái Bình đã xây dựng, nâng cấp trên 51km đường trục xã; gần 34km đường trục thôn; 49km đường nhánh cấp 1 trục thôn; 239km đường giao thông trục chính nội đồng; lắp đặt gần 986km đường điện sáng; đầu tư xây dựng 669 phòng học, hạng mục phụ trợ cho các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở….

Người dân xã Vũ An (huyện Kiến Xương) tập trung làm đường bê tông nội đồng. 
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Chia sẻ về thành công của Thái Bình trong xây dựng nông thôn mới, ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Bình cho biết, thành công trên có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thuận của nhân dân và giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương. Đặc biệt, tỉnh đã phát huy vai trò chủ thể của người dân. Người dân được tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới, từ việc lập kế hoạch đến triển khai thực hiện và giám sát.  

Ông Đỗ Quý Phương nêu rõ, thời gian tới, tỉnh tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế, trong đó, tập trung chỉ đạo quy hoạch, quy vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, gắn liền với việc quy hoạch hạ tầng phục vụ sản xuất, mạng lưới chế biến nông sản. Tỉnh tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng theo hướng hiện đại, tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp áp dụng khoa học - công nghệ mới và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, Thái Bình sẽ lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án khác ở nông thôn để tập trung nguồn lực, phân kỳ đầu tư hợp lý, đúng quy định của pháp luật nhằm hoàn thành dứt điểm từng công trình, dự án, tránh đầu tư dàn trải, không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Tỉnh tiếp tục duy trì, xây dựng mới và nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. 

Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung phát triển dịch vụ nông thôn, du lịch sinh thái gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xây dựng hệ thống nhận diện và thương hiệu OCOP để nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm trên thị trường và người tiêu dùng. Thái Bình tăng cường quản lý, phục hồi, phát triển nghề và làng nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện và giám sát thực hiện chủ trương, cơ chế chính sách xây dựng nông thôn mới; chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú cho người dân... 

Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 75 triệu đồng/người/năm…/.  

Vũ Quang Đán

Xem thêm