Bình Phước tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật.
TTXVN - Xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập, vừa đậm đà giá trị văn hóa dân tộc, vừa giàu bản sắc địa phương; xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam, đồng thời phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo. Đây là mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Tỉnh Bình Phước nằm trong Vùng Đông Nam Bộ, có 41 thành phần dân tộc sinh sống. Văn hóa Bình Phước vì thế trở thành nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong sự đa dạng; có sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc từ nhiều vùng, miền trong cả nước.
Theo Tỉnh ủy Bình Phước, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đạt nhiều kết quả quan trọng. Môi trường, nếp sống văn hóa chuyển biến tích cực. Những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương và các di sản văn hóa của tỉnh được kế thừa, bảo tồn và phát huy.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Bình Phước nhìn nhận, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước còn những hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn hạn chế. Hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu và chưa được đầu tư đồng bộ, phương thức hoạt động chậm đổi mới. Điều kiện hưởng thụ văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới còn nhiều khó khăn…
Nguyên nhân do việc triển khai thực hiện đường lối văn hóa của Đảng có lúc, có nơi còn thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt. Trách nhiệm của một số cấp ủy Đảng, tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với việc triển khai xây dựng và phát triển văn hóa chưa cao…
Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có trên 94% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 100% các lễ hội trong Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh được tổ chức định kỳ và có chất lượng. Các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị; xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hoá cấp tỉnh…
Chỉ số phát triển con người (HDI) của Bình Phước nằm trong nhóm từ 25 đến 30 các tỉnh, thành phố trong cả nước; cải thiện tầm vóc thân thể của thanh niên Bình Phước đạt chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam.
Bình Phước phấn đấu đến 2045 có 100% khu công nghiệp thành lập mới có quy hoạch quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó tối thiểu 50% khu công nghiệp xây dựng mới có trung tâm văn hóa - thể thao phục vụ công nhân, người lao động; phấn đấu đưa chỉ số HDI của tỉnh nằm trong nhóm từ 20 đến 25 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Tỉnh ủy Bình Phước đặt ra nhiệm vụ và lộ trình thực hiện các mục tiêu trên, trong đó việc chăm lo, xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện được đặt lên hàng đầu; tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật. Đồng thời, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng để đầu tư và phát triển văn hóa…/.
- Từ khóa:
- Bình Phước
- văn hóa
- đa dạng
- bản sắc