Xây dựng nông thôn mới hướng tới trở thành những miền quê đáng sống, phát triển hài hòa, toàn diện, bền vững và giàu bản sắc.
TTXVN - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cùng với hoàn thiện hạ tầng và phát triển kinh tế, việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa cũng được các địa phương quan tâm thực hiện. Qua đó, xây dựng nông thôn mới hướng tới trở thành những miền quê đáng sống, phát triển hài hòa, toàn diện, bền vững và giàu bản sắc.
* Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa
Trong tiến trình lịch sử, làng quê nông thôn Việt Nam là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội. Đồng thời đây còn là nơi sản sinh, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ truyền. Tiến sỹ Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cùng với tiến trình phát triển của đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn giữ vị trí chiến lược trong việc đảm bảo an ninh lương thực, an toàn xã hội và an ninh con người. Nông thôn vẫn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền với hàng ngàn di tích lịch sử, công trình văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng, nơi lắng đọng "hồn quê, tình quê", góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư Vũ Thị Phương Hậu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, nông thôn Việt Nam đang là nơi lưu giữ những di sản văn hóa của dân tộc. Thống kê của Cục Di sản văn hóa, Việt Nam hiện có khoảng 3.560 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hơn 360 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đa phần di sản này đều gắn với nông thôn theo các chiều cạnh khác nhau. Mặc dù diện mạo nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi nhưng những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống như đình, đền, chùa, miếu mạo, di tích và danh thắng, lễ hội, dân ca… vẫn hiện diện trong một khung cảnh làng quê có nhiều đổi khác. Sự hiện diện của các yếu tố văn hóa truyền thống này không mâu thuẫn với những tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà chúng ta đang áp dụng. Trái lại, nó chính là điểm tựa tinh thần, là linh hồn của mỗi làng quê trong quá trình tái kiến tạo một không gian sống mới theo hướng tiêu chuẩn hóa.
Thông tin từ Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, đến giữa năm 2023, cả nước có hơn 73,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ có 91,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ này tại Đồng bằng sông Cửu Long là 81,3%.
Bên cạnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững được nhiều địa phương triển khai hiệu quả. Các địa phương đẩy mạnh hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, gắn với các tổ chức cộng đồng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao sức khỏe người dân; phát động phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, văn hóa, văn nghệ quần chúng. Đồng thời, nhân rộng mô hình câu lạc bộ hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; mở rộng mô hình kết nối văn hóa truyền thống và văn hóa mới, đảm bảo đa dạng về văn hóa vùng miền, dân tộc, tạo sự lan tỏa, phát triển du lịch.
* Không "đánh mất" bản sắc
Từ góc độ địa phương, theo bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, thành phố quan tâm bảo tồn, phát huy nhiều di sản, nét văn hóa truyền thống trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tạo sự phát triển toàn diện. Cần Thơ có đặc thù của một vùng văn hóa sông nước - miệt vườn, thể hiện ở từng vùng quê cũng như đô thị, qua tập quán sản xuất, phong tục, lễ hội truyền thống, đặc sản ẩm thực...
Các quận, huyện của thành phố có 38 di tích được xếp hạng các loại, 5 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy, nghệ thuật hò Cần Thơ, hát ru của người Việt ở Cần Thơ và nghề làm bánh tráng Thuận Hưng.
Cần Thơ cùng với các tỉnh, thành phố Nam Bộ có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là nghệ thuật Đờn ca tài tử. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di tích, di sản luôn được lãnh đạo thành phố, ngành chức năng quan tâm thực hiện, góp phần lưu giữ, quảng bá giá trị của di sản. Trong đó, có nhiều di sản, di tích được hình thành, lưu giữ từ các cộng đồng cư dân nông thôn, đóng góp chung trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, 36/36 xã của Cần Thơ đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 26 xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang có nhiều làng quê nông thôn với những di tích không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà đã được phát huy giá trị, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa truyền thống là nền tảng để địa phương xây dựng nông thôn mới theo hướng toàn diện.
Đại diện UBND xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết, xã nông thôn mới nâng cao Đông Hòa Hiệp không chỉ có những con đường rộng rãi, ngôi nhà mới khang trang mà còn có di tích làng cổ Đông Hòa Hiệp được công nhận là di tích văn hóa quốc gia. Nét văn hóa miệt vườn đôn hậu, bình dị của người dân cùng những ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm, kiến trúc độc đáo mang phong cách nhà vườn Nam Bộ được gìn giữ cho đến hôm nay. Vì vậy, làng cổ Đông Hòa Hiệp được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn đầu tư thực hiện Dự án "Hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam thông qua du lịch di sản".
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, nông thôn mới không chỉ là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế "cứng" mà chú trọng đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn. Chương trình kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa kinh tế với văn hóa, xã hội trên địa bàn nông thôn. Nông thôn mới không "sao chép", không làm mất bản sắc, vì mất đi bản sắc là "đứt gãy" dòng tâm thức của mỗi cộng đồng, làng quê. Nông thôn mới không thể "mặc đồng phục" mà cần là quá trình tìm tòi sự khác biệt, đi lên từ những cái đang có. Quá trình tìm tòi đó do chính người làng quê biết nhận ra, trân quý những giá trị xung quanh mình, từ truyền thống lịch sử của địa phương.
Nhìn nhận phát huy bản sắc văn hóa nông thôn trong dòng chảy đời sống đương đại, tốc độ đô thị hóa nhanh, Tiến sỹ Nguyễn Huy Phòng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, đô thị hóa là quá trình tất yếu khách quan với sự ra đời của các đô thị, thành phố lớn. Điều này đồng nghĩa với diện mạo, không gian nông thôn sẽ bị thu hẹp. Nhiều nông dân sẽ trở thành thị dân với lối sống văn minh, hiện đại. Nhưng dù phát triển đến đâu, vai trò, vị trí của văn hóa nông thôn luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là nguồn lực, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước./.