Lụa Vạn Phúc đã trở thành một mặt hàng được ưa chuộng bởi sự khéo léo, tinh tế của bàn tay và tâm hồn người thợ kết tinh vào trong từng thước vải.
TTXVN - Tuần Văn hóa Du lịch, Thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc năm 2023 diễn ra từ ngày 26/10 - 02/11 tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa nghề truyền thống, thu hút khách du lịch và phát triển thương mại.
Đây là lần thứ hai Tuần Văn hóa Du lịch, Thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc được tổ chức với chủ đề “Vạn Phúc - Sắc màu hội nhập” trong không gian làng Vạn Phúc rực rỡ sắc màu của lụa, ánh đèn và các khu vực trang trí lễ hội.
Tuần Văn hóa Du lịch, Thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc năm 2023 với nhiều nội dung, chương trình đặc sắc, hấp dẫn, bao gồm: Lễ rước tôn vinh Tổ nghề với chủ đề “Cội nguồn văn hóa làng nghề”; trao bằng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho làng nghề dệt lụa Vạn Phúc; hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống Hà Nội; hội thi và trưng bày ảnh về Vạn Phúc; hội thi sản phẩm thiết kế sáng tạo tiêu biểu; trình diễn áo dài với chủ đề “Duyên dáng Lụa Hà Đông”; cùng các hoạt động bảo tồn di sản và biểu diễn văn hóa đặc sắc ca trù, múa rối nước, thi và trải nghiệm viết thư pháp, trò chơi dân gian, trải nghiệm ẩm thực…
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Văn Chiến cho biết, Tuần Văn hóa Du lịch, Thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc năm 2023 cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND thành phố Hà Nội đồng chủ trì tổ chức và Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023.
Thông qua lễ hội, quận Hà Đông muốn giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về nét văn hóa đặc sắc làng nghề dệt lụa truyền thống Vạn Phúc, qua đó, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của quận trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo; nâng cao và phát triển vị thế của công nghiệp văn hóa Thủ đô và quận Hà Đông; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Hà Đông, các điểm đến hấp dẫn, các lễ hội truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể, các làng nghề, sản phẩm văn hóa ẩm thực.
Các hoạt động Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa đến các địa phương khác.
Nghề dệt lụa ở Vạn Phúc có từ hơn 1.000 năm trước, do bà A Lã Thị Nương - một người con gái ở Cao Bằng nổi tiếng đảm đang và có tay nghề dệt lụa khéo léo về làm dâu làng Vạn Phúc truyền dạy cho dân làng. Từ khi mới ra đời, lụa Vạn Phúc đã trở thành một mặt hàng được ưa chuộng bởi sự khéo léo, tinh tế của bàn tay và tâm hồn người thợ kết tinh vào trong từng thước vải.
Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, nghề dệt lụa Vạn Phúc vẫn trụ vững trong suốt 10 thế kỷ qua và ngày càng phát triển, trở thành nghề truyền thống nổi tiếng của đất kinh kỳ. Lụa Vạn Phúc giờ đây không chỉ được ưa chuộng ở trong nước mà đã được xuất sang nhiều nước trên thế giới./.
- Từ khóa:
- Văn hóa
- làng nghề
- lụa Vạn Phúc