Việt Nam đã thu hút được nguồn lực quốc tế đáng kể cho hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản thông qua nhiều dự án, chương trình hợp tác với các tổ chức, các quốc gia khác nhau trên thế giới.
TTXVN - Ngày 26/10, tại Cà Mau, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) triển khai tập huấn ngành Di sản văn hóa và Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa”.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, cả trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động phát triển sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa, trực tiếp góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên bình diện quốc tế.
Bà Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức ngành Di sản văn hóa luôn được Cục Di sản văn hóa coi trọng. Với mục tiêu không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công tác, nhiều cuộc tập huấn và hội thảo thường niên đã được Cục Di sản văn hóa tổ chức với nội dung cụ thể, gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn, bám sát tình hình thực tế…
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa lưu ý một số giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng khóa XIII, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023, các Đề án, Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, phục hồi và phát triển du lịch…
Theo Cục Di sản văn hóa, đến thời điểm hiện tại, cả nước có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; 15 Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 9 Di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương; 128 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.621 di tích quốc gia, 11.232 di tích cấp tỉnh; trên 40.000 di tích đã được kiểm kê; 498 Di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hệ thống bảo tàng có 196 bảo tàng (gồm 127 bảo tàng công lập và 69 bảo tàng ngoài công lập) lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập đặc biệt quý hiếm.
Việt Nam đã khẳng định là một trong những nước thành viên tích cực tham gia các Công ước của tổ chức UNESCO (phê chuẩn 4 trong số 6 Công ước của UNESCO), đóng góp kinh nghiệm, thể hiện nỗ lực cho việc bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại. Qua đó, 100% hồ sơ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn, trình Thủ tướng đề nghị UNESCO ghi danh cả ở lĩnh vực vật thể và phi vật thể đều đạt và được ghi nhận bước chuẩn bị hồ sơ khoa học, bài bản, chất lượng... Năm 2022, Việt Nam được bầu vào Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022 - 2026. Đặc biệt, Việt Nam đã thu hút được nguồn lực quốc tế đáng kể cho hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản thông qua nhiều dự án, chương trình hợp tác với các tổ chức, các quốc gia khác nhau trên thế giới.
Cà Mau có 55 di tích đã được xếp hạng (trong đó có 12 di tích quốc gia và 43 di tích cấp tỉnh) gồm các loại hình lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, trong đó di tích lịch sử chiếm đa số. Bên cạnh đó, tỉnh có 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (Đờn ca tài tử Nam bộ), 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm nghề gác kèo ong, nghề muối ba khía, lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc, nghệ thuật Nhạc trống lớn của Người Khmer.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Hiếu Hùng, nhận thức rõ lợi ích, tiềm năng to lớn của các di sản văn hóa trong tiến trình phát triển kinh tế, văn hóa, giao lưu hội nhập quốc tế, những năm qua, Cà Mau đã có nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để khơi dậy, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc và đạt được một số thành tựu nhất định.
Địa phương xác định, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay trước sự tác động mạnh mẽ của tự nhiên và con người. Nhiều giải pháp đồng bộ đã tạo bước chuyển động tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và toàn dân. Từ đó, môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, người dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và hưởng thụ các giá trị của văn hóa…/.
- Từ khóa:
- Di sản văn hóa
- kinh tế - xã hội
- chuyển đổi số