Giáo dục

Đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em

Công tác xã hội hóa cần được đẩy mạnh hơn nữa để việc dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học được thực hiện hiệu quả hơn, giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp)

TTXVN - Ngày 31/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Tham vấn tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong trường học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố.

Báo cáo tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Nho Huy cho biết: Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù số trẻ em đuối nước giảm dần trong những năm gần đây nhưng đây vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Theo số liệu thống kê của 59/63 Sở Giáo dục và Đào tạo, đến hết năm 2022, tổng số bể bơi trong trường học là 2.184 bể/25.307 trường, chiếm tỷ lệ 8,63% trường học có bể bơi. Việc đầu tư và đưa vào sử dụng các bể bơi trong trường học cơ bản phát huy hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học môn bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại một số nhà trường. Một số trường linh động vận dụng các nguồn kinh phí xã hội hóa hợp pháp cho việc đầu tư, xử lý nguồn nước, phối hợp tổ chức dạy bơi cho học sinh theo quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương có quá ít số bể bơi trong trường học, nhiều bể bơi xuống cấp, chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo, không có kinh phí, nhân viên đủ năng lực vận hành bể. Ở nhiều nơi, nhu cầu đầu tư xây dựng hồ bơi trong trường học là rất lớn, nguồn kinh phí đầu tư rất hạn chế, cơ chế kêu gọi xã hội hóa đầu tư hồ bơi trong trường học chưa rõ ràng, một số trường không đủ diện tích đất để hồ bơi. Đồng thời việc quy định mức thu xã hội hóa khi tổ chức dạy bơi trong trường học chưa thực hiện đồng bộ ở hầu hết các địa phương.

Báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, đa số giáo viên giáo dục thể chất đều có thể dạy bơi. Hiện nay có khoảng gần 70% giáo viên giáo dục thể chất được tập huấn về dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu. Tuy nhiên tỷ lệ giáo viên có chứng chỉ/chứng nhận hoàn thành tập huấn huấn luyện viên môn bơi do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp còn thấp so với nhu cầu thực tế. Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh, vùng khó khăn, miền núi…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu thực trạng, đề xuất, góp ý các giải pháp nhằm tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học như: quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí tổ chức, công tác xã hội hoá; nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên dạy bơi; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông và sự phối hợp liên ngành.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thể chất, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhấn mạnh, dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Để thực hiện được công tác này, trách nhiệm không chỉ ở Bộ Giáo dục và Đào tạo mà cần có sự phối kết hợp với các bộ, ban, ngành và toàn xã hội. Các Sở Giáo dục và Đào tạo, Văn hoá, Thể thao và Du lịch rà soát lại hệ thống bể bơi trên địa bàn về cả số lượng, hiệu quả hoạt động và trách nhiệm quản lý.

Bà Ngô Thị Minh cho rằng, giáo dục thể chất hiện nay trong nhà trường không còn đơn thuần như môn thể dục trước đây, việc thực hiện các môn học phải theo nhu cầu của học sinh, đăng ký thế nào để phù hợp với năng lực thể chất của các em… Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa cần được đẩy mạnh hơn nữa để công tác dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học được thực hiện hiệu quả hơn, giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh./.

PV

Xem thêm