Du lịch

Phát triển du lịch di sản, làng nghề gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn mới

Hà Nội

Phát triển du lịch cộng đồng góp phần tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao đời sống, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

Quang cảnh buổi triển khai về ứng xử văn minh du lịch, du lịch cộng đồng huyện Thanh Trì. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

TTXVN - Ngày 18/10, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Thanh Trì tổ chức Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng.

Tiến sỹ Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học thuộc Trường Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn cho biết, việc triển khai ứng xử văn minh du lịch, du lịch cộng đồng nhằm tuyên truyền lợi ích mà du lịch mang lại, trao đổi về xây dựng sản phẩm, hướng dẫn kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch cho nhân dân, người bán hàng, người phục vụ tại điểm du lịch trên địa bàn huyện. Qua đó đẩy mạnh phát triển du lịch di sản, làng nghề truyền thống, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn mới

Việc phát triển du lịch cộng đồng góp phần tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao đời sống người dân tại nhiều địa phương, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Hà Nội đặt mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thành phố ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các điểm đến du lịch gắn với di sản, làng nghề, du lịch nông nghiệp nông thôn, xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch trải nghiệm thực cảnh, có câu chuyện hấp dẫn, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô.

Học sinh các trường học trải nghiệm hoạt động tại Khu du lịch trải nghiệm sinh thái Vạn An - Hải Đăng, huyện Thanh Trì, Hà Nội. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu phát triển sản phẩm du lịch theo hướng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa thành dòng sản phẩm chủ đạo, làm nền tảng gắn kết, phát triển các sản phẩm du lịch khác, trong đó có du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Thanh Trì là địa phương có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, với 154 di tích lịch sử văn hóa, 45 lễ hội truyền thống, 8 địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến. Hệ thống sắc phong tại đình Yên Phú, xã Liên Ninh và đình Triều Khúc, đình Yên Xá, xã Tân Triều được công nhận là tài liệu lưu trữ quý hiếm. Huyện Thanh Trì chú trọng phát triển mô hình trồng rau sạch với vùng trồng rau an toàn rộng 140 ha, thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Hà Nội cũng công nhận điểm du lịch Đại Áng và điểm du lịch Yên Mỹ trên địa bàn huyện là điểm du lịch cấp thành phố. Đây là những thế mạnh, tiềm năng, điều kiện thuận lợi cho phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa và du lịch nông nghiệp.

Giai đoạn 2025 – 2030, với mong muốn xây dựng huyện Thanh Trì trở thành một trong những huyện trọng điểm phát triển du lịch của Hà Nội, Sở Du lịch phối hợp cùng địa phương này tổ chức chương trình triển khai về ứng xử văn minh du lịch, du lịch cộng đồng cho dân cư năm 2023.

Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với huyện Thanh Trì và doanh nghiệp lữ hành xây dựng tuyến du lịch di sản, làng nghề, sinh thái, nông nghiệp, nông thôn kết nối từ trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; phối hợp thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện, ưu tiên kêu gọi đầu tư dự án Công viên thể thao giải trí, du lịch sinh thái Thanh Trì (diện tích 707 ha, trong đó mặt nước 226 ha).

Sở Du lịch và huyện Thanh Trì triển khai phát triển 1 - 2 sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, danh lam, thắng cảnh tiêu biểu của địa phương. Hai bên lựa chọn Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An để xây dựng thành điểm đến du lịch đặc trưng của huyện; đẩy mạnh du lịch nông nghiệp và du lịch tâm linh, quảng bá sản phẩm OCOP, ẩm thực gắn với du lịch…./.

Đinh Thuận

Tin liên quan

Xem thêm