Từ giữa cuối tháng 10 đến tháng 3 năm sau được xem là “mùa vàng” của du lịch Bình Thuận để đón và phục vụ khách quốc tế.
TTXVN - Sau mùa cao điểm hè dành cho khách nội địa, từ giữa cuối tháng 10 đến tháng 3 năm sau được xem là “mùa vàng” của du lịch Bình Thuận để đón và phục vụ khách quốc tế. Nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành đã lên kế hoạch tổ chức lại sản phẩm, nâng cấp dịch vụ sẵn sàng đón khách quốc tế, nhất là dòng khách sẵn sàng chi tiêu cao.
* Kỳ vọng khôi phục thị trường khách quốc tế
Theo một số cơ sở lưu trú tại thành phố Phan Thiết, mùa khách quốc tế bắt đầu từ tháng 10, cao điểm là từ tháng 11- 12 hàng năm. Hai năm ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình thế giới khiến thị trường khách quốc tế có nhiều thay đổi. Vì vậy, các đơn vị linh hoạt xây dựng phương án, kết nối với đơn vị lữ hành đón khách nhiều thị trường khác nhau. Để phục vụ khách trú đông năm nay, các cơ sở lưu trú, resort tại thành phố Phan Thiết đều chú trọng xây dựng dòng sản phẩm thế mạnh là du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư bản địa…
Bà Trần Thị Ngọc Minh, Quản lý khối lưu trú Pandanus Resort, thành phố Phan Thiết cho biết: Tình hình khách quốc tế năm nay tốt hơn rất nhiều so với những năm trước. Hiện tại, đơn vị đã có nhiều khách quốc tế đặt chỗ từ nay cho đến cuối năm, công suất phòng đạt khoảng 50 - 60%. Một số thị trường khách như Đức, Nga... bắt đầu quay trở lại với số lượng nhiều hơn. Cùng với việc chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, tăng cường không gian xanh tạo cảm giác mới mẻ cho du khách, đơn vị còn triển khai nhiều sản phẩm du lịch, ẩm thực phù hợp với từng thị hiếu của khách. Đặc biệt, đơn vị đang tập trung xây dựng chương trình đón Giáng sinh, Chào năm mới 2024 và Tết cổ truyền.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ để đón khách, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được các đơn vị chú trọng. Các doanh nghiệp du lịch gia tăng các sản phẩm du lịch mới tăng tính trải nghiệm trong kỳ nghỉ của du khách như: chương trình ẩm thực, ca nhạc, trải nghiệm cuộc sống ngư dân làng chài…
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, nhất là qua các kỳ nghỉ lễ dài ngày như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, lễ 30/4 và 1/5, 2/9, hoạt động du lịch trên địa bàn đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế tại địa phương. Riêng thị trường khách quốc tế, lượng khách bắt đầu tăng từ tháng 9. Lũy kế trong 9 tháng của năm 2023, Bình Thuận đón hơn 200 nghìn lượt khách quốc tế, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượt khách quốc tế. Bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế trong những tháng cuối năm, cùng với cơ hội từ chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử mới có hiệu lực từ 15/8, du lịch Bình Thuận còn nhiều dư địa để đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
* Kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp hút khách
Với những thuận lợi từ chính sách visa, dấu hiệu phục hồi khả quan của hoạt động du lịch, lượng khách đến Bình Thuận kỳ vọng sẽ tăng và vượt hơn so với mục tiêu đề ra là 220 nghìn lượt khách. Để đạt được mục tiêu đó, Bình Thuận đề ra những giải pháp căn cơ về ngắn hạn và cả dài hạn.
Theo ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, cải thiện kết nối, hạ tầng giao thông là giải pháp hết sức quan trọng. Tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến đường cao tốc, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ đi ngang Bình Thuận; đẩy mạnh tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết. Bình Thuận đầu tư kinh phí khá lớn để phát triển giao thông nội tỉnh, kết nối liên huyện nhằm rút ngắn thời gian của du khách khi đến với địa phương.
Cùng với các sản phẩm du lịch thế mạnh, Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; du lịch văn hóa - tâm linh gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch canh nông, tìm hiểu sản phẩm OCOP…
Về dài hạn, Bình Thuận tập trung cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính nhằm đem đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp; từ đó thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ đến Bình Thuận.
Có thể thấy, từ đầu năm 2023 đến nay với việc tổ chức các sự kiện Năm Du lịch Quốc gia “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, hoạt động du lịch tại Bình Thuận diễn ra hết sức sôi động và tăng trưởng rõ rệt. Qua đó, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn có động lực làm mới mình bằng việc tung ra thị trường nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ như: Công viên nước Wonderland Water Park; các khu dã ngoại, điểm “check- in” Hanna Beach, PineApple, Miami Farm…
Bên cạnh đó, ngành Du lịch Bình Thuận đẩy mạnh kích cầu du lịch, xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước để thu hút du khách. Tỉnh nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch và hình thành, phát triển tour du lịch mới kết nối Bình Thuận với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Mới đây, ngành Du lịch Bình Thuận phối hợp với Lâm Đồng triển khai khai thác tuyến Trekking Tà Năng - Phan Dũng. Đây là sản phẩm trong chương trình liên kết phát triển du lịch “Hành trình Biển và Hoa” kết nối Bình Thuận - Lâm Đồng.
Từ nay đến cuối năm, nhiều sự kiện đặc sắc hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia “Bình Thuận - Hội tụ xanh” sẽ diễn ra tại Bình Thuận như: Tuần lễ vàng du lịch; Festival Nghệ thuật biểu diễn thế giới; Giải ô tô - mô tô địa hình trên cát Bình Thuận - Ninh Thuận; Lễ hội diều và xác lập kỷ lục Guinness diều lớn nhất Việt Nam kết hợp diễu hành siêu xe… Đây là cơ hội giúp Bình Thuận tăng sức hút của điểm đến, kích cầu du lịch./.