Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và “bài toán” sản phẩm: * Bài 2: Khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên đặc thù
Phát triển sản phẩm gắn liền với khẳng định bản sắc, thương hiệu của điểm đến là yêu cầu cấp thiết đối với du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
TTXVN - Sản phẩm là một trong những yếu tố quyết định sự hấp dẫn cũng như hiệu quả kinh doanh du lịch. Do đó, xây dựng và khai thác sản phẩm theo hướng vừa phát huy thế mạnh nguồn tài nguyên đặc thù vừa có sự chọn lọc để sản phẩm thực sự đặc sắc, không trùng lặp là vấn đề đặt ra đối với du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
* Phát triển sản phẩm, tạo giá trị gia tăng
Sản phẩm du lịch hấp dẫn sẽ thu hút du khách, nâng sức cạnh tranh cho điểm đến giúp đạt hiệu quả kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường du lịch mỗi quốc gia cũng như từng địa phương ngày càng rộng mở. Vì vậy, phát triển sản phẩm gắn liền với khẳng định bản sắc, thương hiệu của điểm đến là yêu cầu cấp thiết.
Định hướng phát triển sản phẩm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy: Các địa phương trong vùng cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo ba nhóm sản phẩm với thứ tự ưu tiên là sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch quan trọng và sản phẩm du lịch bổ trợ. Trong đó, các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng gồm du lịch trải nghiệm gắn với đời sống sông nước, miệt vườn; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa gắn với các giá trị di sản và bản sắc văn hóa của đồng bào Nam Bộ... Sản phẩm du lịch quan trọng có các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; du lịch gắn với công nghiệp giải trí; du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Các sản phẩm du lịch bổ trợ là du lịch cộng đồng, du lịch gắn với các lễ hội; du lịch ẩm thực; du lịch tìm hiểu các di tích lịch sử cách mạng, du lịch MICE (du lịch gắn với sự kiện, hội nghị).
Để nâng mức độ hấp dẫn du khách, các địa phương cần chú ý tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh hoặc từ chính những sản phẩm đã được định hình ở địa phương thời gian qua. Chẳng hạn: Đồng Tháp với 200 món ăn từ sen đã được xác lập kỷ lục Việt Nam về chế biến và công diễn các món ăn từ sen nhiều nhất, Bạc Liêu có Lễ hội Đờn ca tài tử, Vĩnh Long có cụm Homestay xã An Bình đã đoạt Giải thưởng Du lịch ASEAN... Các địa phương cần tăng cường tính lan tỏa, tạo chuỗi sản phẩm, khai thác sâu hơn các chi tiết trong từng sản phẩm gắn với đặc thù vùng đất, con người, có nhiều điểm nhấn hơn nữa để vừa tránh trùng gặp, vừa tạo giá trị trị gia tăng cho các sản phẩm, thu hút du khách.
Đại diện Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) Lê Thị Bé Bảy chia sẻ: Các hộ tham gia làm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn hiểu rất rõ việc giới thiệu đến du khách các sản phẩm độc đáo, không trùng lặp là rất quan trọng.
Hợp tác xã hiện có 32 hộ là thành viên chính thức và 10 hộ liên kết cung cấp các sản vật, loại rau, trái cây, thủy sản… phục vụ du khách. Nét nổi bật ở cách làm du lịch của Hợp tác xã là tính cộng đồng, chia sẻ, hợp tác cùng phát triển. Người dân liên kết cùng nhau làm du lịch nông nghiệp gắn với gìn giữ và khai thác môi trường sinh thái tự nhiên bờ đê, vườn cây, “cầu khỉ”. Đối với sản phẩm du lịch ẩm thực, mỗi hộ thành viên tạo thành mâm cơm cộng đồng đặc sắc, dân dã mà các nguyên liệu do chính người dân Cồn Sơn nuôi, trồng.
Ở Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn, mỗi nhà giới thiệu, chế biến món ăn, sản phẩm đặc trưng riêng, sản vật riêng, không trùng nhau. Có thể kể như nhà vườn Song Khánh sở hữu vườn cây ăn trái, đan xen là ao cá bao bọc xung quanh vườn, là nơi thường tổ chức buffet bánh dân gian với 35 món bánh tự chọn và chuyên nấu các loại lẩu đồng quê như lẩu mắm, lẩu cua đồng, lẩu cá tai tượng lá sen... Điểm độc đáo của nhà vườn này là du khách mỗi khi ghé đến sẽ được gia chủ hướng dẫn làm các món bánh dân gian như: bánh xèo, bánh khọt, bánh lọt, bánh tằm, bánh in với các nguyên, phụ liệu sẵn có trong vườn. Nhà vườn Công Minh với khuôn viên trồng hơn 15 loại cây ăn trái, chủ lực là nhãn và chôm chôm. Nhà vườn Thành Tâm lại chọn loại trái cây chủ lực là bưởi và phục vụ du khách các hoạt động trải nghiệm như bắt cá, dịch vụ lưu trú...
Hợp tác xã và thành viên chú ý tạo cảnh quan, trồng hoa, cây cảnh trước nhà, sân vườn, lối đi cho du khách chụp ảnh; xây dựng và đưa vào hoạt động điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” các sản vật của cồn Sơn và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các đồ lưu niệm, sản phẩm làng nghề, tạo nên nhiều điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của du khách. Nhờ đa dạng sản phẩm, doanh thu từ du lịch của hợp tác xã mỗi năm khoảng trên 10 tỷ đồng, đem lại nguồn thu nhập cho thành viên tốt hơn nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần trước đây.
* Tăng điểm nhấn “chạm” vào cảm xúc du khách
Với du khách, thông qua các hoạt động trải nghiệm, tham quan danh thắng, cảnh quan, tiếp xúc với người dân địa phương, tìm hiểu văn hóa - lịch sử tại điểm đến sẽ tạo nên những cảm xúc tích cực, khắc sâu ấn tượng về điểm đến. Vì vậy, muốn hấp dẫn du khách sản phẩm du lịch phải thực sự tạo được ấn tượng, “chạm” vào cảm xúc của du khách.
Quan tâm khía cạnh phát triển sản phẩm du lịch, kết nối tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn từ nguồn tài nguyên là trên 10.000 sản phẩm đã được gắn sao OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trong cả nước, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon Asset cho rằng: Mỗi địa phương nên chú trọng phát triển, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với cái hồn văn hóa, tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách. Có những sản phẩm OCOP trùng lặp giữa các địa phương như một số loại nông sản, địa phương này có, địa phương khác cũng có. Đối với những trường hợp này, người làm du lịch luôn mong muốn có sự đặc sắc, riêng biệt hơn nữa, có những câu chuyện riêng, mang đậm tính nhân văn, nét văn hóa vùng đất gắn với từng sản phẩm để hấp dẫn du khách nhiều hơn.
Bên cạnh đó, một thực tế đang diễn ra là để đáp ứng yêu cầu thị trường, có những sản phẩm OCOP đã được mở rộng quy mô sản xuất ở mức độ công nghiệp. Dưới góc độ phát triển sản phẩm du lịch, địa phương, cơ sở sản xuất nên chú ý bên cạnh việc mở rộng quy mô sản xuất, hệ thống tiêu thụ rộng rãi, cần có phương án duy trì tính đặc sắc, đậm chất văn hóa của riêng địa phương. Ví dụ, cũng là sản phẩm đó nhưng sẽ có một vài dòng sản phẩm chuyên biệt, chỉ được giới thiệu khi du khách đến địa phương, tại cơ sở sản xuất đó mà thôi. Làm được như vậy sẽ tạo được sự đặc sắc, khác biệt cho sản phẩm mang lại cảm giác rất thú vị cho du khách bởi chỉ khi đến trải nghiệm tại địa phương mới có thể tìm thấy.
Chia sẻ về sản phẩm du lịch gắn với đặc sản địa phương, tạo điểm nhấn, đại diện Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) cho biết: Du khách đến tham quan được giới thiệu về cây cỏ bàng trổ bông quanh năm, thích nghi tốt ở những vùng đất sình lầy, phèn chua. Đặc biệt, xã Phú Mỹ có điểm nổi bật là còn lại khoảng 1.500 ha diện tích đồng cỏ bàng, lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Du khách được trải nghiệm các hoạt động đi nhổ cỏ bàng bằng xuồng làm từ cây thốt nốt, tự tay làm ra các sản phẩm thủ công từ cỏ bàng, kết hợp tham quan tìm hiểu văn hóa cộng đồng ở địa phương, tạo cho du khách sự thú vị, hài lòng. Trước khi kết thúc chuyến tham quan, du khách không quên mua các sản phẩm thủ công như túi xách, gối, nón, hộp được đan từ cây cỏ bàng về sử dụng hoặc làm quà tặng người thân, góp phần tiêu thụ sản phẩm và quảng bá, lan tỏa giá trị của điểm đến tới du khách trong và ngoài nước./.