Nhiều giải pháp, đề xuất được đưa ra tại Hội nghị giúp du lịch Tây Ninh ngày càng bứt phá, thu hút du khách miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng.
TTXVN - Sáng 7/10, trong khuôn khổ sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch “Hương sắc Tây Ninh 2023”. Sự kiện mở ra cho ngành du lịch tỉnh Tây Ninh cơ hội hợp tác và phát triển bền vững trong thời gian tới. Nhiều giải pháp, đề xuất được đưa ra tại Hội nghị giúp du lịch Tây Ninh ngày càng bứt phá, thu hút du khách miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng.
Tỉnh Tây Ninh thuộc vùng miền Đông Nam Bộ, là vùng đất kiến tạo, chuyển tiếp giữa trung du và đồng bằng, với điểm du lịch tâm linh nổi tiếng Núi Bà Đen là điểm cuối của dãy núi Trường Sơn. Đặc biệt, Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng, là công trình thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á. Với lợi thế khí hậu mát mẻ, địa hình có núi, sông nước đan xen, văn hóa đặc sắc với nhiều làn điệu dân ca, nhiều đặc sản nổi tiếng với thương hiệu 4M (Mía – Mỳ - Mủ - Mãng), ẩm thực chay phong phú, Tây Ninh đang là điểm đến, thu hút du khách tại khu vực này. Tỉnh xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho mục tiêu Tây Ninh trở thành một cực tăng trưởng mới tại vùng Nam Bộ năm 2030.
Ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, những năm gần đây, Tây Ninh đón khoảng 2-2,5 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Năm 2022, lượng khách đến tỉnh đạt 4-4,5 triệu lượt, tổng doanh thu khoảng 1.800 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2023, Tây Ninh đón khoảng 5 triệu lượt khách. Hội nghị đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về tiền năng hấp dẫn của du lịch Tây Ninh. Việc tăng cường thu hút nguồn khách du lịch đa dạng đến từ các điểm đến khác như miền Trung, miền Bắc, đặc biệt là du khách từ Thủ đô Hà Nội là vấn đề trọng tâm của tỉnh hiện nay.
Bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun World cho biết: Tây Ninh có 95 di tích được xếp hạng, 8 Di sản văn hóa phi vật thể trong đó có 7 Di sản cấp quốc gia, đặc biệt là rất nhiều điểm đến tâm linh nổi tiếng như núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài. Với ẩm thực phong phú, thiên nhiên đa dạng, văn hóa đầy bản sắc cùng 40 lễ hội trong năm, Tây Ninh có nhiều thế mạnh để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Tuy nhiên, du lịch Tây Ninh vẫn tồn tại một số hạn chế như du lịch văn hóa và các tiềm năng du lịch sẵn có nhưng chưa tạo được nét độc đáo riêng có; chưa có các quy hoạch phát triển du lịch bài bản; cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng vui chơi giải trí và lưu trú còn thiếu thốn; đội ngũ nhân lực du lịch còn mỏng, thiếu và yếu…
Để phát triển du lịch, tỉnh Tây Ninh cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững, định vị du lịch văn hóa là thế mạnh của Tây Ninh; tăng cường thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng; đồng bộ, hiện đại các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh truyền thông, marketing về du lịch; tạo liên kết vùng để thu hút nhân lực chất lượng cao trong ngành dịch vụ…
Ông Ngô Trần Ngọc Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh thông tin, lần thứ 3 tổ chức Ngày Tây Ninh tại Hà Nội đã tạo được ấn tượng tốt vì vừa mang được bản sắc, vừa mang được "hồn Tây Ninh" trong các chương trình, hoạt động. Sau mỗi lần xúc tiến du lịch, lượng du khách đến với tỉnh tăng mạnh (khoảng 300%). Trong 9 tháng năm 2023, lượng khách đến với Tây Ninh đạt 4,22 triệu lượt người, tổng doanh thu du lịch ước đạt 1,765 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Hội nghị với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ việc liên kết xúc tiến phát triển du lịch Tây Ninh, Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh cùng các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển với các nhiệm vụ, mục tiêu và cam kết cụ thể. Đây là cơ sở để nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và tăng cường thúc đẩy lượng khách đến với Tây Ninh trong thời gian tới./.