Du lịch

Du khách ngày càng ưa chuộng du lịch xanh, phát triển bền vững sau COVID-19

Có 84% du khách Việt muốn có trải nghiệm chân thật, mang nét đặc trưng văn hóa, 64% du khách Việt Nam chấp nhận tránh các điểm đến, nơi tham quan phổ biến để không gây áp lực lên những chỗ đã đông đúc...

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thanh Giang/TTXVN)

TTXVN - Hội thảo "Nghiên cứu những xu hướng du lịch mới sau đại dịch COVID-19" đã diễn ra ngày 10/10 tại Hà Nội. Sự kiện do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện nhằm hệ thống hóa cơ sở lý luận về xu hướng du lịch, tổng hợp kết quả từ các nghiên cứu gần nhất. Từ đó phân tích các xu hướng du lịch mới trong bối cảnh du lịch Việt Nam sau COVID-19, đưa ra các giải pháp đáp ứng với các xu hướng mới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Trương Sỹ Vinh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: Xu hướng du lịch sau đại dịch COVID-19 thực ra không phải là vấn đề quá mới, đã có những hội thảo, trao đổi, thảo luận về việc này ngay từ khi đại dịch xảy ra. Nhưng xu hướng có thể kéo dài một thời gian hoặc liên quan tới thời gian tới, do đó Viện tiếp tục nghiên cứu để kịp thời đưa ra khuyến nghị, đề xuất nhằm kịp thời có giải pháp thúc đẩy dòng khách đến Việt Nam.

Theo kết quả nghiên cứu mà Viện công bố, dịch COVID-19 đã tác động đến tới quen du lịch của khách. Khảo sát 29.000 du khách ở 30 quốc gia gồm cả Việt Nam do Booking.com thực hiện đã cho thấy COVID-19 đã thúc đẩy du khách quan tâm hơn tới du lịch bền vững, hướng tới lối sống tích cực hơn. Du khách Việt có tới 86% người được hỏi muốn giảm mức tiêu thụ năng lượng; 81% muốn sử dụng giao thông thân thiện với môi trường. Có 84% du khách Việt muốn có trải nghiệm chân thật, mang nét đặc trưng văn hóa nơi họ tới. Có đến 64% du khách Việt Nam chấp nhận tránh các điểm đến, nơi tham quan phổ biến để không gây áp lực lên những chỗ đã đông đúc...

 Điểm du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm tại thôn Hoan Trung, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Với khách quốc tế, do ảnh hưởng của COVID-19 nên họ ngày càng ưu tiên các điểm đến thứ cấp, điểm du lịch nông thôn, du lịch dựa vào thiên nhiên. Về lâu dài, xu hướng hướng tới sự bền vững sẽ tiếp tục với ngày càng nhiều du khách muốn trải nghiệm du lịch có trách nhiệm. Khách du lịch cũng mong muốn cải thiện, duy trì sức khỏe tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống...

Nghiên cứu cũng tổng hợp các xu hướng du lịch mới của khách quốc tế đến Việt Nam sau COVID-19. Đó là các điểm đến mới, hoang sơ, yên tĩnh, gần gũi thiên nhiên; điểm đến sinh thái, bền vững; điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn; điểm đến văn hóa, cộng đồng...Phần lớn du khách muốn du lịch tự túc, tự tổ chức chuyến đi vì muốn tự chủ lịch trình, linh hoạt thay đổi kế hoạch theo thực tế và sở thích cá nhân, đồng thời tiết kiệm chi phí.

Du lịch sinh thái tại Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Bên cạnh đó, khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng quan tâm đến các khu nghỉ dưỡng với không gian yên tĩnh, xanh mát, gần gũi với thiên nhiên để thư giãn, tái tạo năng lượng. Dù có xu hướng tiết kiệm chi tiêu hơn nhưng họ vẫn sẵn sàng bỏ chi phí để chung tay bảo vệ môi trường sinh thái ơ nơi đến du lịch. Do đó, trong giai đoạn tới, các chủ đề chính của du lịch Việt Nam là du lịch biển đảo, sinh thái, di sản văn hóa, ẩm thực... cần được xem xét để bổ sung thêm các chủ đề bổ trợ như du lịch chăm sóc sức khỏe, thể thao, du lịch tàu biển, du lịch cộng đồng. Các chủ đề bổ trợ cần tương ứng với mỗi chủ đề chính.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến, đưa ra giải pháp để thu hút du khách. Trong số đó có việc xây dựng môi trường du lịch thân thiện, bảo đảm an toàn, hạn chế tiến tới loại bỏ hoàn toàn các hiện tượng chèo kéo khách, cò mồi, nâng giá, ép giá, lừa đảo, cướp giật... bởi việc này gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Do đó, cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội, tích cực hành động để tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, an toàn, hiếu khách. Cùng với đó, ngành cần phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao để bổ sung cho ngành du lịch, đáp ứng xu hướng phát triển trong giai đoạn mới.../.

Thanh Giang

Xem thêm