Thời sự

Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam xuất sắc về trí tuệ, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc

Hội thảo đưa ra các giải pháp để xây dựng thế hệ trẻ bản lĩnh, tiến bộ, xuất sắc về trí tuệ, vượt trội về thể chất và đậm đà bản sắc văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần 9
Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Sáng 4/4, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp cùng Tập đoàn TH tổ chức Hội thảo "Tương lai cho thế hệ vươn mình". Sự kiện tiếp nối những giá trị sâu sắc và thông điệp mạnh mẽ từ bài viết "Tương lai cho thế hệ vươn mình" của Tổng Bí thư Tô Lâm nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025). Bài viết đã vạch ra tầm nhìn chiến lược, định hướng xây dựng một thế hệ thanh niên Việt Nam xuất sắc về trí tuệ, vượt trội về thể chất, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, sẵn sàng hội nhập và tỏa sáng trên trường quốc tế. Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi gắm niềm tin và kỳ vọng lớn lao vào thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

* Tạo ra sức mạnh to lớn cho dân tộc

Phát biểu khai mạc, Tổng biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh khẳng định: Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước. Sự cường thịnh của một quốc gia, dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào thế hệ trẻ. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến thế hệ trẻ, tạo cơ hội tốt nhất để thế hệ trẻ phát triển, thể hiện tài năng, trí tuệ, để thế hệ trẻ cống hiến cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Thế hệ trẻ đã nỗ lực hết mình, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, hết lòng cống hiến, phụng sự quốc gia, dân tộc.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu
Ảnh: Báo Nhân Dân

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh hy vọng những ý kiến trao đổi của các đại biểu sẽ góp phần cùng Đảng, Nhà nước hoạch định những chủ trương, chính sách và các giải pháp, chương trình hành động để xây dựng thế hệ trẻ bản lĩnh, tiến bộ, xuất sắc về trí tuệ, vượt trội về thể chất và đậm đà bản sắc văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Anh hùng Lao động Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH nêu rõ, tại chương trình kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nói: "Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Tầm nhìn chiến lược cũng như khát vọng như lời hiệu triệu của người đứng đầu trên cương vị mới đã hòa chung với khát vọng của dân tộc. Nhân dân nói chung và tầng lớp thế hệ trẻ nói riêng của đất nước ta có nội lực rất lớn, có tâm, có tầm, đủ bản lĩnh, đủ tâm, đủ tài để lãnh hội, để gánh vác trọng trách cùng đất nước.

Anh hùng Lao động Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH tham luận tại hội nghị
Ảnh: Báo Nhân Dân

* Xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, giới trẻ phát triển toàn diện

Với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện các cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách, cùng các gương mặt tiêu biểu của thế hệ trẻ, các tham luận, ý kiến trao đổi tại hội thảo đã tập trung vào các nội dung: Nâng cao ý thức trách nhiệm trong thế hệ trẻ đối với giá trị văn hóa dân tộc; xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trước những thách thức của toàn cầu hóa; bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lý tưởng, khát vọng cống hiến cho đất nước trong thế hệ trẻ; tăng cường rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe thanh niên, bảo đảm chất lượng "dân số vàng"; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực giáo dục và thể thao...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những cơ hội và cả thách thức mà những người trẻ cần nắm bắt để có nhận thức, hành động đúng đắn, sáng tạo. Đó là những nhận định khoa học, thẳng thắn, định hướng xác đáng, rõ ràng, cả những dự báo, cảnh báo cần thiết, cấp thiết. Chúng ta đang sống trong một thế giới phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, đa cực, với hai xu hướng chủ yếu là quốc tế hóa và khu vực hóa, thông qua các cơ chế hợp tác (và cạnh tranh) về chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, quốc phòng, an ninh. Sáng tạo trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bứt phá của nhiều quốc gia. Xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, giới trẻ nước ta phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, với những phẩm chất yêu nước, đoàn kết, tài trí, nghĩa tình, dũng cảm, sáng tạo, kỷ cương, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tham luận
Ảnh: Báo Nhân Dân

Một trong những giải pháp chủ yếu, cần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm đó là: gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, giới trẻ với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, ngành; phát huy năng lực, trách nhiệm người đứng đầu trong việc phát triển văn hoá, xây dựng con người, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, giới trẻ của từng địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị; hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy về phát triển đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, chăm lo thế hệ trẻ bảo đảm vai trò kiến tạo phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội, tăng cường hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, điều kiện làm việc cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, giới trẻ... - ông Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

* Khơi nguồn từ sớm tình yêu văn hóa dân tộc

Từ những giá trị cốt lõi trong bài viết của Tổng Bí thư, các đại biểu, chuyên gia đã phân tích những góc nhìn mới, kiến nghị giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, rèn luyện thể chất, bản lĩnh hội nhập, đồng thời gìn giữ những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc.

Đoàn viên thanh niên tỉnh Lai Châu trồng cây tại Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Giáp Thìn năm 2024
Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội khẳng định: Trong dòng chảy không ngừng của lịch sử dân tộc, mỗi thế hệ thanh niên Việt Nam đều gắn liền với một sứ mệnh. Nếu cha ông chúng ta từng xông pha trên chiến trường để bảo vệ đất nước, thì thanh niên hôm nay cũng đang đảm đương một nhiệm vụ không kém phần quan trọng – đó là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa. Giữa bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, trào lưu quốc tế len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống, thì việc gìn giữ hồn cốt văn hóa lại càng trở nên cấp thiết. Trong cuộc hành trình này, thế hệ trẻ chính là người mang sứ mệnh "vừa giữ lửa, vừa thắp sáng".

Theo ông Bùi Hoài Sơn, khi đứng trước những thách thức mang tính toàn cầu như đã phân tích, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc không thể chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu tuyên truyền hay phong trào ngắn hạn. Đó phải là một chiến lược dài hơi, đặt thanh niên ở vị trí trung tâm, và đi kèm với những cơ chế, chính sách cụ thể, nhất quán, mang tính hệ thống và khả thi. Bởi lẽ, thanh niên – với nguồn năng lượng dồi dào, tư duy đổi mới, khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ và xu hướng thế giới – chính là lực lượng có đủ tiềm năng để làm "người đổi mới trong gìn giữ", là cầu nối giữa "giá trị cổ truyền" và "ngôn ngữ hiện đại". Muốn thế hệ trẻ có thể tham gia hiệu quả vào công cuộc bảo tồn và phát huy văn hóa, thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là cần nhìn nhận họ không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách, mà là chủ thể kiến tạo văn hóa trong thời đại mới. Việc xây dựng chính sách vì thế phải bắt đầu từ tư duy mới – tư duy trao quyền, khuyến khích sáng tạo và đồng hành cùng thanh niên thay vì "áp đặt từ trên xuống".

Các đoàn viên, thanh niên xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp bắt tay thực hiện mô hình bãi rác vườn hoa
Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Từ thực trạng đã nêu và những yêu cầu cấp bách của thời đại, ông Bùi Hoài Sơn nhận định: Việc đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ tham gia bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc là điều không thể chậm trễ. Những giải pháp này không chỉ nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, còn phải biến tình yêu văn hóa thành hành động, sáng tạo và cống hiến thực chất của thanh niên; từ đó, văn hóa dân tộc không chỉ được gìn giữ, mà còn được lan tỏa và tái sinh trong từng bước đi của đất nước trên con đường phát triển bền vững. Cụ thể, cần đổi mới giáo dục văn hóa trong nhà trường - khơi nguồn từ sớm cho tình yêu văn hóa dân tộc; thành lập, phát triển các Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn hóa cho thanh niên; xây dựng không gian sáng tạo văn hóa dành cho giới trẻ tại các đô thị và địa phương; khuyến khích số hóa, sáng tạo nội dung văn hóa trên nền tảng số...

Tất cả những giải pháp trên sẽ không phát huy tác dụng nếu không đi kèm với một điều quan trọng nhất: niềm tin của xã hội vào thanh niên. Khi chúng ta tin rằng, giới trẻ không phải là lực lượng "chờ được giáo dục", mà là chủ thể sáng tạo, đồng kiến tạo tương lai; khi văn hóa được xem là tài nguyên mềm, là vốn liếng khởi nghiệp của người trẻ thì lúc ấy, hành trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc mới thực sự vững chắc - ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ.../.

Phúc Hằng

Tin liên quan

Xem thêm