Thời sự

Bộ đội Đặc công Cụ Hồ - 50 năm mở đường, giữ nước: Những trận đánh huyền thoại

Bình Dương

Năm 2025, trong không khí cả nước hân hoan hướng về kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước, những chiến công của Bộ đội Đặc công Cụ Hồ vẫn in đậm trong trang sử vàng.


50 năm sau ngày đất nước thống nhất, dấu ấn Bộ đội Đặc công vẫn in đậm trong trang sử vàng. Từ trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên năm 1948 - nơi đặt nền móng cho chiến thuật đặc công, đến những trận tập kích táo bạo tại sân bay Biên Hòa, kho xăng Nhà Bè, trận Đồng Dù (Củ Chi), Bù Bông, Kiến Đức, Dầu Tiếng… và những mũi xung kích thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, đặc công luôn là lực lượng đi đầu, đánh hiểm, đánh trúng, làm nên những chiến thắng vang dội.

Năm 2025, trong không khí cả nước hân hoan hướng về kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước, những chiến công của Bộ đội Đặc công Cụ Hồ lại được nhắc nhớ. Nhưng ít ai biết rằng, nền móng cho chiến thuật đặc công đã được đặt từ một trận đánh nhỏ tại Tân Uyên, Bình Dương 77 năm trước - trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên ngày 19/3/1948.


Vào tháng Tư lịch sử, dưới cái nắng gắt ở Đông Nam Bộ, chúng tôi theo chân ông Hoàng Văn Hiến - nguyên Đại úy Tiểu đoàn 368 tỉnh Bình Long, đến thăm Bia tưởng niệm Chiến thắng 19/3 tại Tân Uyên (Bình Dương). Ở tuổi 71, dáng người ông vẫn rắn rỏi, giọng nói trầm ấm, ánh mắt xa xăm như lắng đọng những ký ức năm xưa.

Dừng chân trước khu di tích lịch sử, ông chậm rãi đưa tay về phía tháp canh cầu Bà Kiên vừa được tái hiện, giọng rắn rỏi: “Tháp canh cầu Bà Kiên không chỉ là một địa danh, mà còn là nơi khai sinh một chiến thuật quân sự huyền thoại – lối đánh đặc công”.

Là người con Thạnh Phước, Tân Uyên (Bình Dương), ông Hiến từng chiến đấu trên mặt trận giải phóng Bình Long (Bình Phước) và trải qua những lần phối hợp với Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 trong nhiều trận đánh ác liệt tại vùng Đông Nam bộ. Với ông, trận đánh cầu Bà Kiên là bước ngoặt cho một chiến thuật quân sự về lối đánh bất ngờ, táo bạo.

Năm 1948, thực dân Pháp xây tháp canh Cầu Bà Kiên tại Tân Uyên - cứ điểm kiên cố cao 12m, tường gạch dày 40cm, bốn góc lắp súng máy, lính gác tuần tra ngày đêm. Thế nhưng, quân và dân Tân Uyên kiên cường, quyết không khuất phục.

 Rạng sáng ngày 26/2/1969, chỉ vài ngày sau khi ra đời, Lữ đoàn Đặc công 429 phối hợp cùng Tiểu đoàn 28 (Sư đoàn 7) và lực lượng pháo binh Miền mở cuộc tập kích quy mô lớn vào căn cứ Đồng Dù – hậu cứ kiên cố của Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ tại Củ Chi.
Ảnh tư liệu TTXVN

Đêm 18, rạng sáng 19/3/1948, ba chiến sĩ du kích Trần Công An, Hồ Văn Lung và Nguyễn Văn Nguyên được giao nhiệm vụ tập kích tháp canh. Hành trang của họ chỉ có một khẩu súng trường, một chiếc thang tre và 10 quả lựu đạn (9 quả tự tạo). Lợi dụng lúc địch thay gác, họ men theo bờ sông Đồng Nai, lặng lẽ áp sát mục tiêu. Bằng sự gan dạ và chiến thuật khéo léo, họ leo lên tầng trên, ném lựu đạn vào trong.Tiếng nổ xé toang màn đêm; 10 lính Pháp bị tiêu diệt, kho đạn phát nổ, tháp canh chìm trong khói lửa; hệ thống phòng thủ kiên cố của địch bị phá vỡ. Khi quân tiếp viện còn chưa kịp phản ứng, đội du kích đã rút lui an toàn, mang theo tám khẩu súng và 20 quả lựu đạn.

Lần đầu tiên, một nhóm chiến sĩ với vũ khí thô sơ đánh sập cứ điểm kiên cố của quân Pháp bằng lối đánh bất ngờ, bí mật và táo bạo. Chiến thắng này đặt nền móng cho sự ra đời của Binh chủng Đặc công.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thủy (Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương) nhận định: “Chiến thắng tháp canh Cầu Bà Kiên không chỉ là một trận đánh thành công, mà còn đặt nền móng cho nghệ thuật tác chiến đặc công”.

Chiến thắng cầu Bà Kiên được xem là cái nôi của chiến thuật đặc công, mở ra lối đánh linh hoạt, hiểm hóc. Đúng 19 năm sau, ngày 19/3/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Binh chủng Đặc công. Từ đó, ngày 19/3 trở thành Ngày truyền thống của lực lượng đặc công Việt Nam.

Từ những kinh nghiệm thực tiễn, đặc công trở thành mũi nhọn xung kích trong hai cuộc kháng chiến. Họ đã lập nên nhiều chiến công vang dội: Đánh kho xăng Nhà Bè (1963), sân bay Biên Hòa (1964), Dinh Độc Lập (1968), Đồng Dù (1969)... Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, đặc công là mũi đột kích quan trọng, góp phần giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Thời gian trôi qua, chiến trường xưa đã đổi thay. Tháp canh cầu Bà Kiên nay thuộc ấp Dư Khánh, phường Thạnh Phước, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Người dân Tân Uyên tự hào: “Cầu Bà Kiên không chỉ là di tích, mà còn thể hiện tinh thần quật cường của nhân dân, là nơi khởi nguồn của những chiến sĩ đặc công anh hùng”. Hôm nay, giữa sự yên bình của một thành phố trẻ đang vươn mình phát triển, chiến thắng năm xưa vẫn vang vọng, không chỉ là trang sử hào hùng mà còn in sâu trong lòng bao thế hệ như một biểu tượng bất diệt của Bộ đội Đặc công Cụ Hồ.

Rạng sáng ngày 26/2/1969, chỉ vài ngày sau khi ra đời, Lữ đoàn Đặc công 429 phối hợp cùng Tiểu đoàn 28 (Sư đoàn 7) và lực lượng pháo binh Miền mở cuộc tập kích quy mô lớn vào căn cứ Đồng Dù – hậu cứ kiên cố của Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ tại Củ Chi.

Dưới cái nắng miền Đông Nam Bộ rát bỏng da, chúng tôi ghé thăm Lữ đoàn Đặc công Bộ 429, đóng quân tại huyện Phú Giáo, Bình Dương. Đón chúng tôi, Đại tá Hoàng Văn Số – Chính ủy Lữ đoàn bắt tay thật chặt, giọng chắc nịch: “Bộ đội Đặc công sinh ra từ gian khó, lớn lên trong chiến tranh, rèn luyện qua từng trận đánh. Tinh thần thép, kỹ thuật điêu luyện, ý chí kiên cường – đó là những gì làm nên đặc công 429”.

“Từ những ngày đầu gian khó đến những chiến công hiển hách, Bộ đội Đặc công luôn chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự đùm bọc của nhân dân. Chính điều đó đã hun đúc nên một lực lượng tinh nhuệ, tác chiến bí mật, bất ngờ, góp phần quan trọng vào những chiến thắng của dân tộc”, Đại tá Số chia sẻ. Theo ông, cách đánh đặc công là sự kế thừa tinh hoa nghệ thuật quân sự Việt Nam, từ chiến thuật “ngày ẩn náu, đêm tập kích” của Triệu Quang Phục, lối đánh thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn, đến đội quân Yết Kiêu chuyên tập kích trên sông. Tuy nhiên, chỉ đến kháng chiến chống thực dân Pháp, phương thức tác chiến này mới được định hình thành một binh chủng độc lập.

Ngày nay, Bộ Quốc phòng tiếp tục xây dựng lực lượng đặc công theo hướng tinh nhuệ - gọn nhẹ - chất lượng cao. Đây là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, với quân nhân được tuyển chọn kỹ lưỡng, trang bị hiện đại và huấn luyện khắc nghiệt. Đặc công nổi bật với phương pháp tác chiến linh hoạt, đột kích chớp nhoáng vào các mục tiêu trọng yếu trong đội hình chiến đấu, khu vực bố trí chiến dịch và hậu phương của địch.

Không chỉ là những chiến binh xuất sắc trong kháng chiến, Bộ đội Đặc công hôm nay tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ giữ nước từ sớm, từ xa. “Tinh thần đặc công là không ngại khó, không sợ khổ, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ”, Đại tá Số khẳng định.

Rạng sáng ngày 26/2/1969, chỉ vài ngày sau khi ra đời, Lữ đoàn Đặc công 429 phối hợp cùng Tiểu đoàn 28 (Sư đoàn 7) và lực lượng pháo binh Miền mở cuộc tập kích quy mô lớn vào căn cứ Đồng Dù – hậu cứ kiên cố của Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ tại Củ Chi.

Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 là một trong những đơn vị đặc công chủ lực của miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ngay từ những ngày đầu thành lập, đơn vị đã lập chiến công vang dội, khẳng định vai trò mũi nhọn trong các trận đánh then chốt. Kể về những trận đánh hào hùng ấy của Lữ đoàn 429, Đại tá Hoàng Văn Số, Chính ủy Lữ đoàn đã "truyền lửa" cho các thế hệ sau bằng những câu chuyện chiến đấu đầy khí phách và tự hào.

Rạng sáng 26/2/1969, chỉ vài ngày sau khi ra đời, Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 phối hợp cùng Tiểu đoàn 28 (Sư đoàn 7) và lực lượng pháo binh Miền mở cuộc tập kích quy mô lớn vào căn cứ Đồng Dù – hậu cứ kiên cố của Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ tại Củ Chi. Nằm ở vị trí chiến lược phía Tây Bắc Sài Gòn, Đồng Dù được quân Mỹ xem là lá chắn quan trọng bảo vệ thủ phủ Ngụy quyền. Căn cứ này được xây dựng vững chắc với 12 lớp hàng rào thép gai, hàng trăm lô cốt, xe tăng, trận địa pháo và lực lượng tuần tra dày đặc. Nhưng dù kiên cố đến đâu, quân thù vẫn có điểm yếu và đặc công Việt Nam đã tìm ra điều đó.

Sau thời gian dài trinh sát, các chiến sĩ đặc công xác định được những sơ hở trong hệ thống phòng thủ của địch. Đêm 25/2, đội hình chia thành 7 mũi tiến công, bí mật tiếp cận căn cứ. Lợi dụng đêm tối và địa hình phức tạp, các chiến sĩ đặc công luồn sâu qua hệ thống rào thép, tiếp cận các mục tiêu trọng yếu mà không để lộ dấu vết.

Đúng 2 giờ 45 phút 26/2/1969, khi căn cứ địch vẫn chìm trong màn đêm, tín hiệu tấn công được phát ra. Các mũi tiến công đồng loạt khai hỏa, bất ngờ đánh thẳng vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 25, khu thông tin, sân bay, kho tàng, trận địa pháo. Những quả bộc phá chính xác phá tung lô cốt, kho đạn bốc cháy ngùn ngụt, tiếng súng cối, B40 vang rền khắp trận địa. Lính Mỹ hoảng loạn, phản ứng chậm chạp trước đòn đánh chớp nhoáng của đặc công Việt Nam.

Sau hơn một giờ chiến đấu, quân ta gây thiệt hại nặng nề cho địch: Tiêu diệt hơn 1.000 lính Mỹ, phá hủy 50 máy bay, 176 xe quân sự, 12 khẩu pháo, nhiều kho đạn và xăng dầu. Khi các đơn vị đặc công rút lui an toàn, pháo binh ta tiếp tục bắn bồi, dội đạn vào căn cứ, khiến Đồng Dù chìm trong biển lửa, tổn thất của địch càng thêm nặng nề.

Chiến thắng vang dội này không chỉ giáng một đòn mạnh vào quân Mỹ mà còn làm lung lay hệ thống phòng thủ của địch tại miền Đông Nam Bộ.

Sau trận Đồng Dù, Đặc công 429 tiếp tục lập chiến công vang dội tại hậu cứ Dầu Tiếng năm 1971. Đây là căn cứ quân sự trọng yếu, được phòng thủ nghiêm ngặt với nhiều lớp công sự và lính gác tuần tra liên tục. Để đột nhập, các chiến sĩ đặc công phải luồn lách qua hào sâu, bãi mìn, tận dụng địa hình để tiếp cận mục tiêu. Đêm 19/6/1971, Tiểu đoàn 13 của Lữ đoàn 429 áp sát căn cứ. Đúng 2 giờ 10 phút, khi quân địch còn chìm trong giấc ngủ, đặc công đồng loạt đánh vào sở chỉ huy, khu thông tin, trận địa pháo. Địch hoảng loạn, chưa kịp phản ứng đã bị đánh gục. Chỉ trong vài giờ, hơn 400 tên địch bị tiêu diệt, 16 lô cốt bị phá hủy, hậu cứ Dầu Tiếng hoàn toàn bị xóa sổ.

 Lữ đoàn Đặc công 429 phối hợp cùng Tiểu đoàn 28 (Sư đoàn 7) và lực lượng pháo binh Miền mở cuộc tập kích quy mô lớn vào căn cứ Đồng Dù – hậu cứ kiên cố của Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ tại Củ Chi.

Mùa khô năm 1973, căn cứ Bù Bông (nay thuộc Bình Phước) trở thành trọng điểm phòng thủ của địch, án ngữ tuyến đường chiến lược 14. Được bảo vệ kiên cố với công sự dày đặc, hàng rào thép gai và lính tuần tra liên tục, Bù Bông được xem là “lá chắn thép” của địch ở miền Đông Nam Bộ. Sau nhiều ngày trinh sát, lực lượng Đc công 429 lên kế hoạch tập kích. Đêm 3/11, các tổ chiến đấu âm thầm tiếp cận mục tiêu. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc công đã mở 7 cửa tiến vào mà không bị phát hiện. Đúng 3 giờ 15 phút, sáng 4/11, hàng loạt bộc phá đồng loạt xé toang màn đêm, đánh thẳng vào sở chỉ huy, trận địa pháo, kho đạn. Sau 13 giờ giao tranh, quân ta làm chủ hoàn toàn căn cứ, tiêu diệt hơn 600 tên địch, bắt sống hàng trăm tên, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.

Thất bại tại Bù Bông khiến địch dồn lực lượng về Chi khu Kiến Đức, tăng cường xe tăng, pháo binh và công sự kiên cố. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định giao nhiệm vụ cho đặc công đánh vào Kiến Đức. Đêm 3/12, các tổ đặc công bí mật gỡ mìn, cắt rào, mở đường cho đồng đội tiếp cận. Khi tiếng lệnh khai hỏa vang lên, quân ta đồng loạt đánh thẳng vào sở chỉ huy, kho đạn, trận địa pháo. Sau hơn 10 giờ giao tranh, Đặc công 429 cùng các đơn vị phối hợp làm chủ hoàn toàn Chi khu Kiến Đức, tiêu diệt 350 tên địch, phá hủy nhiều công sự phòng thủ. Thắng lợi này góp phần tạo bàn đạp chiến lược cho chiến dịch giải phóng Phước Long sau này.

Đại tá Đào Xuân Dũng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 khẳng định: "Bộ đội đặc công luôn giữ vững tinh thần thép, phát huy lối đánh linh hoạt, bí mật, bất ngờ. Mỗi trận đánh là bài học quý về nghệ thuật chiến đấu, giúp thế hệ hôm nay tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang".

Tháng 4/1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ then chốt. Đặc công lặng lẽ đột nhập nội đô, vô hiệu hóa các mục tiêu trọng yếu như kho xăng, sân bay, hệ thống liên lạc địch. Trong thời khắc quyết định, họ mở đường cho đại quân tiến vào Sài Gòn, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Với những đóng góp xuất sắc, Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đơn vị có 8 cá nhân được tuyên dương Anh hùng, cùng hàng trăm huân, huy chương cao quý. Những thành tích ấy không chỉ là niềm tự hào mà còn tiếp thêm động lực để lớp lớp chiến sĩ đặc công hôm nay tiếp tục rèn luyện, giữ vững bản lĩnh của một lực lượng tinh nhuệ, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 với 16 chữ vàng: “Tự lực tự cường, độc đảm kiên cường, luồn sâu đánh hiểm, đoàn kết chiến thắng”./.

Nội dung: Chí Tưởng - Văn Hướng

Thiết kế: Tố Uyên

Ảnh, video: TTXVN phát, Dương Chí Tưởng


Tin liên quan

Xem thêm