Trong giai đoạn 2025-2030, tỉnh Hưng Yên xây dựng và ban hành Nghị quyết về xây dựng văn hóa, con người Hưng Yên phát triển bền vững.
Trong giai đoạn 2025-2030 và các năm tiếp theo, tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa, con người phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, bản sắc quê hương; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, khu vực và đối tượng dân cư trong tỉnh. Cùng với đó, tỉnh bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng có chất lượng cao mang đậm bản sắc của Hưng Yên, phù hợp với xu thế thời đại.
Tỉnh Hưng Yên phấn đấu có 95% gia đình đạt gia đình văn hóa; 91,1% số làng, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; 70% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 91% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị xây dựng và thực hiện tốt quy định về văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương; 100% khu dân cư thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước và tuân thủ quy định của pháp luật...
Tỉnh phấn đấu cơ bản hoàn thành khôi phục đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch và trở thành Khu du lịch quốc gia vào năm 2030; quy hoạch Khu di tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu vực làng Nôm; quy hoạch Khu di tích đền Phù Ủng, Di tích quốc gia đặc biệt đền An Xá (Đậu An)... Đến năm 2030, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở như: Trung tâm văn hóa, nhà triển lãm, sân vận động, nhà thi đấu đa năng tỉnh, thiết chế văn hóa cơ sở và khu vui chơi giải trí công cộng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, công nhân lao động, trẻ em.
Trong giai đoạn 2025-2030, tỉnh xây dựng và ban hành Nghị quyết về xây dựng văn hóa, con người Hưng Yên phát triển bền vững; xây dựng Đề án bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh như: Ca trù, nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ của người Việt...
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Hưng Yên là mảnh đất văn hiến, với bề dày di sản và giàu truyền thống cách mạng, nơi sinh ra nhiều bậc hào kiệt, nhà văn hóa lớn của đất nước. Nơi đây, lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và hệ thống di tích lịch sử phong phú, đặc sắc… Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của tỉnh. Do vậy, việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa Hưng Yên là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng để văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và nguồn lực nội sinh phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, với mục tiêu đưa Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa, thời gian tới, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh phục dựng, bảo tồn, bảo vệ, phát triển và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giá trị di sản văn hóa, nhất là văn hóa Phố Hiến cổ. Đồng thời, các địa phương phấn đấu xây dựng Hưng Yên trở thành Trung tâm Di sản văn hóa đặc sắc của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước - một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa để nâng cao đời sống và mức độ thụ hưởng văn hóa của nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn.
Các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; trọng tâm là nâng cao chất lượng xây dựng làng, khu phố, gia đình văn hóa và thực hiện nếp sống văn minh gắn với phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tăng cường giới thiệu, quảng bá, lan tỏa rộng rãi hình ảnh, giá trị tốt đẹp của văn hóa và con người Hưng Yên ra thế giới.
Những năm qua, chiến lược phát triển văn hóa và xây dựng con người văn hóa luôn được tỉnh Hưng Yên quan tâm, thực hiện. Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình về phát triển văn hóa. Điển hình là Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 08/10/2021 về "Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030"; Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 08/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên Trần Quốc Việt khẳng định, chiến lược phát triển văn hóa và xây dựng con người văn hóa được tỉnh quan tâm, thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng; việc xây dựng gia đình, thôn, khu phố, cơ quan đơn vị văn hóa đã có tác động tích cực đến đời sống văn hóa trong nhân dân. Công tác giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được chú trọng, đến nay, hầu hết các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đã đưa nội dung văn hóa, lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy.
Cùng với đó, các giá trị trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được phát huy. Những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, giúp đỡ người hoạn nạn, giảm nghèo bền vững, khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, góp phần phát triển văn hóa - xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.