Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: Nhiều bị cáo được giảm án
Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị y án tử hình. Các bị cáo Trương Huệ Vân, Chu Lập Cơ, Nguyễn Cao Trí… được giảm án tù.
Ngày 3/12, sau gần một tháng xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử của phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) tuyên án đối với các bị cáo.
Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị y án tử hình. Các bị cáo Trương Huệ Vân, Chu Lập Cơ, Nguyễn Cao Trí… được giảm án tù.
Tòa xét xử phúc thẩm tuyên phạt Trương Mỹ Lan tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Về trách nhiệm dân sự, tiếp tục buộc bị cáo Lan phải có trách nhiệm bồi thường cho Ngân hàng SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022, tương đương số tiền 673.800 tỷ đồng.
Với 5.000 tỷ đồng tiền tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng SCB mà bị cáo Lan yêu cầu trả lại để nộp vào thi hành án, theo Hội đồng xét xử, văn bản của Ngân hàng SCB xác nhận hoàn thành việc tăng vốn vào cuối năm 2021, tiền đã hòa vào hoạt động chung của ngân hàng. Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu xin miễn hơn 673 tỷ đồng án phí của bị cáo Lan; đồng thời chuyển toàn bộ số tiền các bị cáo nộp khắc phục hậu quả cho Ngân hàng SCB để khấu trừ nghĩa vụ của bị cáo này.
Hội đồng xét xử thông báo bị cáo Trương Mỹ Lan được quyền gửi đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước trong thời hạn 7 ngày khi bản án có hiệu lực. Nếu bị cáo tích cực hợp tác, khắc phục được 3/4 hậu quả sẽ được chuyển hình phạt từ tử hình sang chung thân.
Bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor, cháu gái bị cáo Trương Mỹ Lan) được Hội đồng xét xử xác định đã làm theo chỉ đạo của Lan để thành lập và sử dụng 51 công ty “ma”, thông đồng với lãnh đạo Ngân hàng SCB lập phương án kinh doanh “khống” là mua bán nông sản với Công ty cổ phần Lavifood để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, từ đó rút 1.088 tỷ đồng từ SCB chiếm đoạt, gây thiệt hại 25 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm đánh giá, Vân là bị cáo duy nhất trong vụ án có quan hệ họ hàng thân thích và được Trương Mỹ Lan cưu mang từ nhỏ. Bản thân bị cáo Vân không có kiến thức tài chính, ngân hàng, chỉ mong chia sẻ với Lan trong kinh doanh. Vân chỉ tham gia một số hồ sơ vay vốn nhất định, số tiền giúp sức tham ô, gây thiệt hại thấp nhất so với các bị cáo cùng tội danh; bản thân Vân dùng thêm tài sản riêng để khắc phục... Ngoài ra, bị cáo còn có nhiều thành tích trong tham gia thiện nguyện, nhiều bằng khen, giấy khen... Nhận thấy bản án sơ thẩm có phần nghiêm khắc, tòa phúc thẩm giảm án từ 17 năm tù xuống 13 năm tù về tội “Tham ô tài sản” đối với Vân.
Đối với bị cáo Chu Lập Cơ (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square, chồng của Trương Mỹ Lan), Hội đồng xét xử cho rằng, vì có mối quan hệ vợ chồng với bị cáo Lan nên Cơ đã ký các biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, biên bản họp Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square để thế chấp tài sản của công ty bảo lãnh nợ vay cho 73 khoản vay tại Ngân hàng SCB, dẫn đến khoản vay không có khả năng thu hồi, giúp sức để Lan gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 9.000 tỷ đồng.
Tại phiên phúc thẩm, Chu Lập Cơ thay đổi kháng cáo toàn bộ bản án sang xin giảm nhẹ hình phạt; đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận cho bị cáo Cơ tình tiết giảm nhẹ mới là khắc phục thêm một phần hậu quả vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử giảm từ 9 năm xuống 7-8 năm tù.
Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Chu Lập Cơ có vai trò giúp sức hạn chế, là người nước ngoài không biết tiếng Việt và chỉ làm theo lời vợ. Ngoài ra, Cơ là một trong những doanh nhân Hồng Công (Trung Quốc) đầu tiên khởi nghiệp tại Việt Nam, có đóng góp lớn trong việc hỗ trợ vaccine COVID-19, góp phần giúp đất nước vượt qua đại dịch. Đồng thời tạo việc làm cho nhiều người, có nhiều bằng khen của cơ quan nhà nước, sau phiên sơ thẩm bị cáo nộp thêm 15 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án…
Bị cáo Cơ có nhiều tình tiết giảm nhẹ và không có tình tiết tăng nặng, mức án sơ thẩm 9 năm là nghiêm khắc nên Hội đồng xét xử quyết định giảm hình phạt từ 9 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xuống còn 7 năm tù cho bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty Capella) bị cáo buộc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan và tuyên phạt 8 năm tù tại phiên xét xử sơ thẩm về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định, bị cáo Nguyễn Cao Trí có các tình tiết giảm nhẹ hình phạt là đã nộp tiền khắc phục toàn bộ hậu quả nên chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, giảm án từ 8 năm tù xuống còn 6 năm tù cho bị cáo.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng I (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước bị tòa sơ thẩm tuyên phạt án tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”. Tại phiên phúc thẩm, Nhàn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Là Trưởng đoàn thanh tra tại Ngân hàng SCB, trong quá trình thanh tra SCB, bị cáo Nhàn nhận 5,2 triệu USD từ Trương Mỹ Lan thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) để bao che, bưng bít sai phạm của ngân hàng này. Nhàn chỉ đạo nhân viên cấp dưới chỉnh sửa kết luận thanh tra Ngân hàng SCB, dẫn tới việc không ngăn chặn kịp thời sai phạm của SCB, gây hậu quả lớn đến nay chưa khắc phục được.
Hội đồng xét xử tòa phúc thẩm nhận định, mặc dù bị cáo Đỗ Thị Nhàn nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ, quá trình công tác chưa có sai phạm, lý lịch và nhân thân tốt, có đóng góp cho xã hội, nhưng trong vụ án này bị cáo Đỗ Thị Nhàn thực hiện hành vi phạm tội gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, cần có hình phạt nghiêm khắc.
Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên mức án tù chung thân về tội “Nhận hối lộ” đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn.
Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), giảm từ 19 xuống còn 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” nhưng y án chung thân về tội “Tham ô tài sản”, tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội là chung thân.
Bị cáo Hồ Bửu Phương (cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) được giảm từ 20 năm tù xuống còn 16 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Bị cáo Trần Thị Kim Chi được giảm từ 4 năm tù giam còn 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. 40 bị cáo còn lại cũng được giảm từ 3 tháng tới 3 năm tù./.