Nguyên nhân ô nhiễm chủ yếu do nước thải sinh hoạt, rác thải sinh hoạt và rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp.
TTXVN - Trước tình trạng các hồ lắng quanh hồ Xuân Hương, di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia giữa lòng thành phố Đà Lạt đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức kiểm tra, chỉ đạo nóng, yêu cầu UBND thành phố Đà Lạt xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân xả nước thải không đạt tiêu chuẩn môi trường, xả rác gây ô nhiễm các nguồn nước dẫn vào hồ.
Đoàn công tác của UBND tỉnh Lâm Đồng đã đi kiểm tra hiện trạng ô nhiễm các hồ lắng xung quanh hồ Xuân Hương và công tác phủ xanh đèo Prenn (thành phố Đà Lạt). Theo đánh giá chung của các thành viên tham dự cuộc họp sau buổi kiểm tra, hiện nay, vào các tháng mùa khô trong năm, các hồ lắng quanh hồ Xuân Hương thường xảy ra tình trạng ô nhiễm, nước bốc mùi làm ảnh hưởng đến môi trường đô thị, cuộc sống người dân và du khách đến thành phố Đà Lạt.
UBND tỉnh Lâm Đồng xác định nguyên nhân chủ yếu do nước thải sinh hoạt, rác thải sinh hoạt cùng rác thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp của các hộ dân sinh sống quanh khu vực các hồ lắng gây ra. Cùng với đó, rác thải từ thượng nguồn các suối thuộc lưu vực hồ lắng trôi về… gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường trong khu vực.
Trước trình trạng trên, ngày 12/3/2024, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND thành phố Đà Lạt khẩn trương lập tổ công tác để rà soát kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ xả nước không đạt tiêu chuẩn môi trường ra các hồ lắng và hồ Xuân Hương; xử lý nghiêm các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đổ rác thải không đúng nơi quy định, đổ trực tiếp ra hồ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.
Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị thành phố Đà Lạt nghiên cứu, thử nghiệm để lựa chọn thực hiện các giải pháp phù hợp; sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học; bơm hút nước để xử lý, hòa tan; trồng cây thủy sinh có khả năng xử lý nước, tạo cảnh quan; nạo vét bùn bồi lắng, thường xuyên vệ sinh mặt nước như vớt rác, động vật chết… hoặc các giải pháp phù hợp khác. Đồng thời, thành phố nghiêm cấm việc đổ rác thải ra hồ, khu vực quanh hồ và lưu vực suối đổ vào các hồ lắng.
Về giải pháp lâu dài, UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu lập dự án gom nước thải sinh hoạt của các hộ dân sống xung quanh hồ lắng, khu vực có nước xả thải ra hồ Xuân Hương và dọc theo lưu vực suối đổ về hồ lắng; xây dựng kè chống bồi lắng, bảo vệ suối đoạn từ khu quy hoạch dân cư đường Phạm Hồng Thái đến hồ Amsude; xây dựng vỉa hè dọc theo tuyến đường hai bên hồ lắng Cầu Sắt, tạo công viên cảnh quan cho các hồ lắng này…
Hồ Xuân Hương được coi là một trong những hồ đẹp nhất Việt Nam. Đây là hồ nhân tạo được xây dựng từ năm 1919 rộng 25 ha, nằm giữa trung tâm thành phố Đà Lạt. Quanh hồ có các địa danh du lịch nổi tiếng của thành phố Đà Lạt như Quảng trường Lâm Viên, Vườn hoa thành phố, Sân golf Đồi Cù, Công viên Yersin… Hồ là nơi được du khách quan tâm nhất khi đến du lịch tại thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, vào mùa khô những năm gần đây, các hồ lắng xung quanh hồ Xuân Hương như hồ Đội Có, hồ Amsude, hồ Cầu Sắt… thường bị ô nhiễm nghiêm trọng do tốc độ phát triển đô thị, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tình trạng này đã khiến lượng nước chảy vào hồ Xuân Hương bị ô nhiễm, gây bức xúc trong dư luận nhiều ngày qua…/.