Thúc đẩy hợp tác đa lĩnh vực giữa Cần Thơ và Thụy Sĩ hướng tới thích ứng biến đổi khí hậu
Hai bên trao đổi nhiều nội dung liên quan đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu...
TTXVN - Ngày 11/3, tại Cần Thơ, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo các sở, ngành tiếp và làm việc với Đoàn công tác Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, do Đại sứ Thomas Gass làm trưởng đoàn. Hai bên trao đổi nhiều nội dung liên quan đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện nhấn mạnh: Hơn 50 năm qua, quan hệ hai nước đã chứng kiến nhiều bước phát triển tích cực. Việt Nam, trong đó có thành phố Cần Thơ, luôn trân trọng sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sỹ thông qua các dự án ODA về xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, nông nghiệp, giáo dục đào tạo… và luôn tạo điều kiện cho Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi về thương mại.
Thành phố Cần Thơ luôn tích cực triển khai các hoạt động hợp tác với Thụy Sỹ, nhất là lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, thành phố mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà Thụy Sỹ có thế mạnh, như: chuyển đổi số, quản lý tài chính công, hạ tầng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, giáo dục đào tạo, y tế… Cần Thơ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các công ty Thụy Sỹ đến tìm hiểu đầu tư.
Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã nhận được hỗ trợ từ các đối tác Thụy Sỹ, như tổ chức Dariu Foundation, VMA… cho các dự án phi chính phủ liên quan đến giáo dục, y tế. Về thương mại, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Thụy Sỹ là hơn 556 nghìn USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản.
Riêng đối với dự án ODA, Thụy Sỹ đã triển khai thực hiện Hợp phần 3 của Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị, do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ. Tổng nguồn vốn của Dự án là 254 triệu USD, trong đó vốn của Ngân hàng Thế giới 250 triệu USD, vốn của SECO 4 triệu USD. Đến nay, một số công trình của Dự án đã hoàn thành, rất hữu ích cho sự phát triển thành phố Cần Thơ như: Hoàn thành cơ bản tuyến kè bảo vệ dọc sông Cần Thơ, kè Cái Sơn - Mương Khai góp phần chống ngập cho khu vực lõi đô thị. Các cống góp phần ngăn triều cường vào khu vực nội đô trong mùa lũ vừa qua. Các công trình cầu Quang Trung, đường Trần Hoàng Na đã hoàn thành cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông, đi lại thuận lợi cho người dân; các khu tái định cư đã đáp ứng theo yêu cầu tái định cư người dân ảnh hưởng bởi dự án…
Đại sứ Thomas Gass khẳng định, hai nước Việt Nam - Thụy Sỹ có mối quan hệ đối tác tốt đẹp, lâu dài, đa phương và song phương trên nhiều mặt. Hiện Thụy Sỹ quan tâm trao đổi về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời và đây cũng là ưu tiên của Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng. Do vậy, Đại sứ mong muốn hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực trên ở cả tầm quốc gia và địa phương.
Đại sứ Thomas Gass cho biết, Thụy Sỹ là một trong những thành viên tích cực sáng kiến thành lập Ủy ban sông Mekong. Thông qua các dự án đã và đang triển khai, Thụy Sỹ đã nỗ lực hỗ trợ các địa phương vùng hạ nguồn như Cần Thơ nâng cao sự thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng lõi của thành phố.../.
- Từ khóa:
- Cần Thơ
- Thụy Sỹ
- Biến đổi khí hậu