Thời tiết

Ứng phó biến đổi khí hậu gắn với giảm nghèo bền vững

Thích ứng với biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng cho các địa phương khi xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập bền vững cho người dân.

UNDP khuyến nghị cần đảm bảo rằng các chính sách giảm thiểu biến đổi khí hậu được thực hiện hiệu quả dựa trên quyền con người, đặt người dân làm trung tâm.
 Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

TTXVN - Biến đổi khí hậu là vấn đề có tính thách thức toàn cầu. Ở Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu đã thu hút sự tham gia vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương với nhiều giải pháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững.

*Chuyển đổi các mô hình sản xuất

Dễ dàng nhận thấy, biến đổi khí hậu là nguy cơ ảnh hưởng tới mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững. Sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến gia tăng rủi ro cho các vùng, các lĩnh vực và các đối tượng dễ bị tổn thương. Do vậy, thích ứng với biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng cho các địa phương khi xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập bền vững cho người dân, nhất là những người sinh sống ở vùng nhạy cảm với thiên tai.

Hàng trăm ha cây trồng trên cánh đồng thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai đứng trước nguy cơ mất trắng do hạn hán. 
Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Trong những tháng cao điểm của mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, Đắk Lắk luôn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới cho cây trồng. Nhiều công trình thủy lợi, chủ yếu là hồ đập nhỏ rơi vào mực nước "chết", khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Bởi nguồn nước mặt hiện có chỉ đáp ứng khoảng 40% so với nhu cầu. Nhiều diện tích lúa, cây trồng cạn bị khô kiệt nước, dẫn đến khả năng mất trắng. Trước thực trạng hạn hán xảy ra ngày càng gay gắt và nghiêm trọng, giải pháp chống hạn luôn là yêu cầu cấp thiết.

Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, tại Đắk Lắk, Quỹ Khí hậu Xanh, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam" hỗ trợ thi công các ao chống chịu biến đổi khí hậu cho các hộ dân nghèo, cận nghèo, phụ nữ trụ cột dân tộc thiểu số. Ngành Nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ nông dân canh tác như: Xây mới và nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm bảo vệ sinh kế của các nông hộ trong khu vực.

Cũng như nhiều đô thị ở vùng sông nước Cửu Long, thành phố Cần Thơ ngày càng chịu nhiều tác động cực đoan, bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu như: ngập lụt, sạt lở bờ sông, kênh rạch, dông lốc, hạn hán,… với mức độ, quy mô ngày càng tăng. Chủ động khắc phục những tác động bất lợi, chính quyền các địa phương đã đầu tư các công trình, dự án, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mỗi người dân thành phố Cần Thơ cũng đã linh hoạt chuyển đổi các mô hình sản xuất cho phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Luôn gặp khó khăn do chưa có tuyến đê bao kiên cố bảo vệ cây trồng nhất là vào mùa mưa lũ, từ năm 2016 đến nay nhờ có tuyến đê bao khép kín do thành phố đầu tư, đã giúp cho nhiều diện tích trồng sầu riêng của một số nông dân ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ) phát triển xanh tốt và cho năng suất cao. Hay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nguồn nước mặt trên các sông, rạch ngày càng suy kiệt đã ảnh hưởng đến quá trình canh tác nông nghiệp, nhiều nông dân xã Nhơn Nghĩa, Giai Xuân, Trường Long, huyện Phong Điền đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác, giúp cuộc sống của các gia đình ngày càng khấm khá.

Để ứng phó với thách thức kép về khí hậu cực đoan và suy thoái môi trường, cũng như góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, tỉnh Bạc Liêu đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, chú trọng phát triển, nhân rộng các mô hình sinh thái, các mô hình nuôi đa đối tượng trên cùng đơn vị diện tích. Đặc biệt là các mô hình nuôi thủy sản như: Tôm - lúa, tôm - rừng, tôm quảng canh cải tiến kết hợp để phát triển nông nghiệp xanh, hướng đến hiệu quả bền vững cả về kinh tế và môi trường.

*Chủ động các giải pháp thích ứng

Trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, giảm nghèo bền vững đang là một thách thức và khó khăn với Việt Nam khi 70% người nghèo sống phụ thuộc vào thiên nhiên, đặc biệt là ngành nông nghiệp và ngư nghiệp.

Là một trong những tỉnh ven biển thuộc khu vực nhạy cảm về biến đổi khí hậu và dễ tổn thương cao đối với nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng ban hành nhiều cơ chế, chính sách, lồng ghép trong các cơ chế, chính sách xúc tiến đầu tư, hỗ trợ của nước ngoài cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tỉnh đầu tư nhiều dự án củng cố, nâng cấp, xây mới các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, phát triển rừng chắn sóng, chắn cát, rừng ngập mặn ven biển, bảo đảm chống chịu được với thiên tai, triều cường, xâm nhập mặn. Các địa phương trong tỉnh chú trọng chuyển đổi cơ cấu, giống, cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp như: Thử nghiệm trồng một số loại cây ăn quả theo công nghệ Đài Loan (Trung Quốc); trồng rau, hoa trong nhà lưới, công nghệ thủy sinh; chuyển đổi trên 3.000 ha đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm cho giá trị kinh tế cao, tiết kiệm nguồn nước tưới.

Những ngôi nhà ''thích ứng với biến đổi khí hậu'' ở vùng sông nước Cà Mau. 
Ảnh: Kim Há/TTXVN

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Bến Tre đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt triều cường có xu hướng tăng ở mức cao, làm ảnh hưởng đến hàng chục km đê bao, bờ bao, đường giao thông nông thôn; gây ngập trên 700 ha đất sản xuất, cây giống, ao nuôi thủy sản. Hướng tới phát triển bền vững, địa phương có nhiều mô hình sinh kế, canh tác thích ứng biến đổi khí hậu nhận được sự hưởng ứng, tham gia của người dân và đã cho kết quả tốt, cải thiện thu nhập cho các hộ tham gia mô hình.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác thích ứng biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất đưa thích ứng biến đổi khí hậu vào quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nội dung này. Theo đó, thích ứng với biến đổi khí hậu là các hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.

Theo Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các bộ, ngành, địa phương sẽ triển khai 3 nhóm nhiệm vụ để hướng tới mục tiêu giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.

Cụ thể, nhóm nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.

Nhóm thứ hai bao gồm các nhiệm vụ tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và đa dạng sinh học thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu.

Nhóm nhiệm vụ thứ ba ưu tiên giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

Quan điểm của Nhà nước hiện nay là xem xét lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các nỗ lực thích ứng sẽ tập trung vào sự thay đổi các quá trình cũng như những yếu tố gây ra tính dễ bị tổn thương. Qua đó các vấn đề nghèo đói, giới, sinh kế và khả năng tiếp cận thông tin và cơ sở hạ tầng cũng sẽ được xem xét và giải quyết…/.

Nguyễn Hồng Điệp

Xem thêm