Việt Nam là một trong những nước bị tổn thương rõ rệt nhất trước sự thay đổi bất thường của khí hậu, thiên tai và đang nỗ lực cao để đạt các mục tiêu phát triển bền vững nhằm đạt mức thải ròng bằng không vào 2050.
TTXVN - Ngày 29/12, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Hội đồng Giáo sư Liên ngành Khoa học trái đất - mỏ, các Viện nghiên cứu, trường Đại học trong và ngoài nước tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế “Khoa học trái đất, mỏ, môi trường phục vụ chuyển đổi số, phát triển xanh, tuần hoàn và ứng phó các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu” (GREEN EME 2023).
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, biến đổi khí hậu toàn cầu, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, cuộc cách mạng nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những nước bị tổn thương rõ rệt nhất trước sự thay đổi bất thường của khí hậu, thiên tai và đang nỗ lực cao để đạt các mục tiêu phát triển bền vững nhằm đạt mức thải ròng bằng không vào 2050, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong đào tạo, nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về khoa học trái đất, mỏ, môi trường trở nên cấp thiết hơn.
Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn này đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, thúc đẩy hoạt động ứng phó biến đổi toàn cầu để phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn đất nước, khu vực và thế giới.
Lĩnh vực khoa học trái đất, mỏ và môi trường có vai trò quan trọng và phát triển song hành cùng sự tiến bộ của xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực này trở thành nền tảng cho nhiều ngành khoa học cơ bản và ứng dụng, thúc đẩy tiến bộ công nghệ trên toàn thế giới, góp phần vào sự thịnh vượng của nhân loại. Báo cáo tham luận tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước chia sẻ kết quả nghiên cứu nổi bật, đề xuất giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học trái đất, mỏ, môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển xanh, tuần hoàn, ứng phó biến đổi toàn cầu.
Các chủ đề được Hội nghị tập trung gồm: Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong khoa học trái đất, mỏ, môi trường; chuyển đổi kỹ thuật số trong khoa học trái đất, mỏ, môi trường; chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng bền vững (điện gió, điện mặt trời, điện khí, địa nhiệt, điện rác, hydrogen…) và công nghệ phát thải carbon thấp; kinh tế tuần hoàn trong quản lý tài nguyên - khoáng sản và phát triển bền vững; ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai; các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học trái đất, mỏ, môi trường, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Hội nghị, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố Chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn đến năm 2030”. Chương trình nhằm cung cấp luận cứ khoa học, giải pháp, mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng phó chủ động và hiệu quả biến đổi khí hậu, thích ứng tác động của thượng nguồn sông Mê Công, phát triển bền vững, góp phần đưa Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng kinh tế trọng điểm, văn minh, sinh thái và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước của cả nước, hội nhập khu vực, quốc tế.
Chương trình tập trung các mục tiêu quan trọng: Phát triển kinh tế bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long để ứng phó biến đổi khí hậu và thích ứng tác động của các hoạt động kinh tế - xã hội ở thượng nguồn sông Mê Công; phát triển xã hội bền vững, hài hòa, góp phần đưa Đồng bằng sông Cửu Long thành vùng văn minh sinh thái và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước để ứng phó biến đổi khí hậu, thích ứng tác động của hoạt động kinh tế - xã hội ở thượng nguồn sông Mê Công.
Chương trình hướng đến sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ thiên tai, phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó biến đổi khí hậu và thích ứng tác động của các hoạt động kinh tế - xã hội ở thượng nguồn sông Mê Công.../.