Chương trình ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành trong tỉnh Sóc Trăng quan tâm và bước đầu có kết quả tích cực.
TTXVN - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng ngày 26/12 tổ chức sơ kết 6 chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chương trình ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm và bước đầu có kết quả tích cực.
Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, qua gần 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành và địa phương Sóc Trăng đã thực hiện nhiều giải pháp mang tính chủ động, linh hoạt để triển khai đồng bộ, toàn diện 11 nội dung thành phần về xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới được cụ thể hóa thực hiện trên địa bàn tỉnh và sáu chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng nông thôn mới theo các quyết định phê duyệt, ban hành của Thủ tướng Chính phủ.
Sáu chương trình chuyên đề đã được tỉnh triển khai gồm: Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025; Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Phát triển du lịch nông thôn; Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện một trong sáu chương trình chuyên đề, ngành Thông tin và Truyền thông Sóc Trăng đã phối hợp, hướng dẫn người dân tích cực áp dụng chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới có hiệu quả. Đặc biệt, ngành đã đầu tư 225 cụm loa truyền thanh thông minh cho một số xã nông thôn mới. Đến nay, các xã nông thôn mới đều có cụm loa truyền truyền thanh, trong đó có 279 cụm loa sử dụng công nghệ số, từ đó, giúp thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn dân trong việc chuyển đổi số xây dựng nông thôn mới.
Ủy ban nhân dân các xã xây dựng nông thôn mới đều có mạng nội bộ và được kết nối internet. Các xã này đều sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong xử lý công việc hàng ngày. Hầu hết hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ mật); hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được kết nối từ Trung ương đến cấp xã; hệ thống một cửa điện tử cấp xã được đầu tư đồng bộ, hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Minh Chiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Sóc Trăng, hiện nay, các xã nông thôn mới đều có Wifi công cộng và camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông. Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng app Công dân Sóc Trăng và tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp cho người dân cài đặt, sử dụng. Thông qua app Công dân Sóc Trăng, người dân, doanh nghiệp có thể cập nhật các thông tin cần thiết như: Thông tin tổng quan về Sóc Trăng; tin tức tích hợp từ các trang thông tin khác; tra cứu, nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến; xem các camera công cộng; thông tin danh bạ điện thoại; tra cứu các thông tin, địa điểm tiện ích; trải nghiệm các ứng dụng thanh toán trực tuyến; cung cấp thông tin các ngành... và nhất là nông dân có thể tìm hiểu mô hình sản xuất mới, hiệu quả, giá cả tiêu dùng, kiến thức về xây dựng nông nghiệp, nông thôn…
Cùng với các Chương trình chuyên đề hỗ trợ, Chương trình Chuyên đề về Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực trong đẩy nhanh thực hiện toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả, đi vào chiều sâu, thực chất hơn.
Nhờ vậy, tính chung đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Văn phòng Điều phối tỉnh đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, công nhận đợt 2 năm 2023 gồm 3 xã nông thôn mới, 4 xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hai thị xã Ngã Năm và Vĩnh Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới. Hai huyện Cù Lao Dung và Châu Thành đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu năm 2024./.
- Từ khóa:
- Chuyển đổi số
- nông thôn mới
- Sóc Trăng