Xã hội

Chuyển đổi số - Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Nam Định

Với những định hướng cụ thể về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là tập trung phát triển kinh tế số ở các ngành, lĩnh vực trọng tâm tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế số của tỉnh, chuyển dịch từng bước sang các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, phát triển nội dung số.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ I tổ chức tại Nam Định. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Với mục tiêu huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; theo hướng nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới và sáng tạo và nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân.

* Động lực thúc đẩy kinh tế số

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cho biết, nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 09 của Ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh Nam Định, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành kế hoạch 122 đưa ra 9 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác chuyển đổi số nhằm tạo ra sự chuyển đổi số mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Trước hết là công tác tuyên truyền cho người đứng đầu các cấp chính quyền, sở ngành cũng như người dân hiểu về công tác chuyển đổi số; cùng với đó, tỉnh lựa chọn các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, từ đó có những giải pháp giúp cho công tác chuyển đổi số lĩnh vực đó được triển khai tốt nhất, hiệu quả nhất; cùng với đó, triển khai tốt công tác hạ tầng kỹ thuật, thông tin truyền thông để người dân có thể nghiên cứu, tích hợp được dữ liệu và khai thác sử dụng qua đó thấy được hiệu quả của công tác chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhằm hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu là một trong hai mục tiêu kép của Chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Xác định mục tiêu đó, Chương trình chuyển đổi số tỉnh Nam Định cũng xác định chuyển đổi số trong các doanh nghiệp thành công là động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế số của tỉnh.

Nhằm chủ động tạo đột phát trong việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng các nền tảng số phục vụ công tác chuyển đổi số của tỉnh, UBND tỉnh Nam Định đã ưu tiên đầu tư và giao Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu triển khai nhiều nền tảng số, dịch vụ số quan trọng phục vụ các cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, trong thời gian qua, tỉnh Nam Định đã tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích các doang nghiệp công nghệ dịch chuyển từ cung cấp dịch vụ truyền thống sang cung cấp dịch vụ số, công nghệ số góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh nói chung và chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nói riêng.

Phó Giám đốc VNPT Nam Định Nguyễn Chí Dũng cho biết: Chúng tôi đã có sự chủ động trong việc chuẩn bị về hạ tầng về viễn thông do đó hệ thống cáp quang, các trạm BTS, phủ sóng 4G đã được phủ khắc các thôn xóm trong toàn tỉnh; tới đây sẽ được phủ sóng 5G để phục vụ cho việc ứng dụng các công nghệ thông tin trên đó. Đồng thời chúng tôi cũng ưu tiên đầu tư mạng truyền dữ liệu chuyên dùng để sử dụng các nền tảng trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh đảm bảo mức độ an toàn tốt nhất.

Với sự hỗ trợ tích cực của ngành viễn thông, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đã chủ động tiếp cận với các nền tảng dịch vụ số để từng bước tiến hành chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của mình.

Là doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu Công ty May Sông Hồng đã chủ động tiếp cận và chuyển đổi số trong hệ thống sản xuất của doanh nghiệp từ khá sớm. Từ nhiều năm trước, bộ phận sáng tạo mẫu mã của công ty đã được ứng dụng các phần mềm thiết kế 3D giúp các nhà thiết kế hạn chế công đoạn thủ công, có thể trựch tiếp thiết kế, đưa ra các mẫu mã sản phẩm ngay trên hệ thống và chia sẻ với khách hàng trực tuyến; điều này đã giúp giảm thời gian thiết kế ra mẫu mã mới, đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách nhanh nhất, đem lại lợi thế cạnh tranh rất tốt cho doanh nghiệp trong sản xuất và xuất khẩu; hiện nay tất cả các khâu trong Công ty May Sông Hồng từ sản xuất đến kế hoạch, tài chính, y tế… đã ứng dụng các phần mềm tích hợp trên nền tảng số.

Giám đốc Nội chính Công ty May Sông Hồng Nguyễn Thị Ninh cho biết: Chuyển đổi số cho phép chúng tôi quản lý và khai thác được lượng dữ liệu lớn một cách hiệu quả đồng thời cho công ty nâng tính cạnh tranh và nâng cao vị thế của công ty trên thị trường; nhất là khi công ty có các nhà máy trên các địa bàn khác nhau thì mọi người sẽ liên kết với nhau tốt hơn, giao tiếp với nhau thuận tiện hơn và đặc biệt các bộ phận và các cá nhân liên quan có thể truy cập vào hệ thống của công ty bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ nơi đâu để có thể nắm được thông tin, khai thác thông tin và đưa ra các quyết định một cách nhanh nhất.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ I tổ chức tại Nam Định. (Ảnh:TTXVN phát)

* Trái ngọt đầu mùa

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định Vũ Trọng Quế Tỉnh Nam Định xác định chuyển đổi số nói chung, kinh tế số nói riêng là công việc quan trọng, là cơ hội để bứt phá, vươn lên, đưa tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững.

Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định xác định công tác chuyển đổi số có 3 trụ cột chính là chính quyền số - kinh tế số - xã hội số; trong đó người dân, doanh nghiệp là trung tâm của công tác chuyển đổi số. Sau 02 năm thực hiện công tác chuyển đổi số của tỉnh Nam Định tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả quan trọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội và các lĩnh vực của tỉnh.

Đến nay các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh như Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel, VNPT, Viettel, Mobifone, FPT kịp thời nắm bắt cơ hội của chuyển đổi số đã và đang từng bước thực hiện việc dịch chuyển từ cung cấp các dịch vụ truyền thống sang cung cấp các nền tảng số, dịch vụ số, logistics,... cho các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, người dân góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số tại các doanh nghiệp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đã chủ động tiếp cận với các nền tảng số, dịch vụ số để từng bước tiến hành việc chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; do vậy, tỷ trọng kinh tế số của tỉnh ước đạt 12% GRDP; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 7,2%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng Hóa đơn điện tử và chữ ký số 100%; tỷ lệ doanh nghiệp có hợp đồng điện tử khoảng 15%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số khoảng 85%; tỷ lệ doanh nghiệp khai thác hiệu quả nền tảng số khoảng 30%.

Cùng với đó, thời gian vừa qua, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thu hút các doanh nghiệp công nghệ số, các doanh nghiệp có hàm lượng Công nghệ số cao đầu tư vào tỉnh, nhiều doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam và Quốc tế đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư như tập đoàn Quanta, Jiwai, Sunrise materal…

Trong đó đặc biệt dự án đầu tư nhà máy sản xuất máy tính quy mô lớn do Tập đoàn Quanta đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ là tiền đề từng bước hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao góp phần thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế số của tỉnh.

Với những định hướng cụ thể về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là tập trung phát triển kinh tế số ở các ngành, lĩnh vực trọng tâm tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế số của tỉnh, chuyển dịch từng bước sang các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghệ sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh… kinh tế, văn hoá – xã hội của tỉnh Nam Định bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đó là sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 ước đạt trên 10%, đây là mức cao nhất từ trước đến nay của tỉnh.

Thái Thuần

Xem thêm