Xã hội

Chung tay tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ

Thái Nguyên

Tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ chính là giúp phụ nữ thoát nghèo, tạo cơ hội và khả năng tiếp cận, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người.

TTXVN - Ngày 29/11, tại tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã tổ chức sự kiện truyền thông "Bữa sáng Ruy băng trắng" với chủ đề "Chung tay tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ nhằm thúc đẩy quyền và phòng ngừa di cư mất an toàn/mua bán người" với sự tham gia của 150 đại biểu đến từ các cơ quan liên quan của tỉnh. Đây là hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ 25/11 đến 25/12/2023 và chuỗi 16 ngày hành động Chấm dứt bạo lực giới từ 25/11 đến 10/12/2023.

Mô hình truyền thông "Bữa sáng Ruy băng trắng" được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức lần đầu vào năm 2015 và duy trì cho đến nay trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của Australia. Chiến dịch Ruy băng trắng là phong trào toàn cầu với sự tham gia tiên phong của nam giới và trẻ em trai nhằm ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Với hình thức vừa ăn sáng, vừa luận bàn, "Bữa sáng Ruy băng trắng" mong muốn tạo môi trường mở để các đại biểu cùng chia sẻ, thảo luận những thông tin, kinh nghiệm cá nhân, đưa ra những giải pháp cho các vấn đề liên quan, đồng thời tăng cường cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ, trẻ em gái.

Đại biểu chia sẻ ý kiến tại “Bữa sáng Ruy băng trắng”. (Ảnh: TTXVN phát)

Chia sẻ tại chương trình, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết, ở nước ta, phụ nữ chiếm 47,7% trong lực lượng lao động thành thị và 47,2% trong lực lượng lao động nông thôn. Phụ nữ có mặt ở khắp các lĩnh vực và chiếm số đông trong một số ngành, nghề, như nông nghiệp, giáo dục, y tế. Dù đã nỗ lực và có những đóng góp to lớn cho đất nước nhưng phụ nữ vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức như khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm ít hơn nam giới, thường đảm nhiệm các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp và mức thu nhập cũng thấp. Đặc biệt, phụ nữ trong các cộng đồng dân tộc thiểu số gần như không có việc làm, ít kiến thức về tài chính và không có tiếng nói trong mọi hoạt động của gia đình và cộng đồng. Với bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, lao động di cư là một hiện tượng tất yếu trong sự phát triển kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Lao động nữ ngày càng tham gia tích cực vào lực lượng lao động di cư với tỷ trọng tương đối lớn, chiếm khoảng 57,3%.

Tuy nhiên, lao động di cư đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề xã hội, dẫn đến nguy cơ bị bóc lột sức lao động hoặc rơi vào tình trạng tuyển dụng trái phép, thậm chí lao động với những công việc nằm ngoài sự bảo vệ của pháp luật; đặc biệt, họ có thể trở thành nạn nhân của mua bán người…

Bà Nguyễn Thúy Hiền khẳng định, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ chính là giúp phụ nữ thoát nghèo, tạo cơ hội và khả năng tiếp cận, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người về chăm sóc sức khỏe, học hành, ăn, mặc, ở và có cơ hội được tự chủ về kinh tế ngang với mức của nam giới. Việc tạo quyền năng kinh tế góp phần cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang triển khai rất nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ như: tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tự nâng cao trình độ chuyên môn; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hỗ trợ khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương… Tuy nhiên, công việc này rất cần sự chung tay, vào cuộc của các ngành, các cấp và toàn thể xã hội.

Các đại biểu cùng nhau chia sẻ thông điệp, gắn lên “Cây Cam Kết” để tiếp thêm nguồn năng lượng mới hướng tới bình đẳng giới. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại chương trình, các đại biểu cùng nhau chia sẻ thông điệp, gắn lên "Cây cam kết" để tiếp thêm nguồn năng lượng mới hướng tới bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và vì sự thịnh vượng, phát triển bền vững của địa phương. "Bữa sáng Ruy băng trắng" là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030./.

Thu Hằng

Xem thêm