Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã xây dựng và phát triển được trên 430 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 55 sản phẩm OCOP 4 sao.
TTXVN - Với tiềm năng, lợi thế của mình, những năm qua tỉnh Nam Định đã thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần xây dựng thương hiệu, định danh sản phẩm địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động…
* Xây dựng thương hiệu
Trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh nuôi 200 - 300 con lợn bằng phương pháp hữu cơ, phối trộn thảo dược vào cám cho lợn ăn nhằm tăng sức đề kháng, hướng đến cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, bền vững cho thị trường.
Không dừng lại ở việc chăn, ông Thục còn chủ động tìm hiểu thị trường và hướng đến việc cung cấp sản phẩm thịt lợn an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là gia đình ông đã xây dựng thương hiệu thịt lợn thảo dược Hiền Thục uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiện tại, gia đình ông đang cung ứng sản phẩm thịt lợn thảo dược cho 13 trường học trên địa bàn huyện Trực Ninh, 10 cửa hàng, siêu thị nhỏ trong và ngoài tỉnh. Ngoài thịt lợn tươi, gia đình ông chế biến các sản phẩm từ thịt lợn như xúc xích, ruốc phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng. Ước tính, doanh thu từ thịt lợn của gia đình đạt khoảng 600 triệu đồng/tháng.
Gia đình ông Thục có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao là: Thịt lợn, ruốc thịt và xúc xích. Để quảng bá sản phẩm, gia đình ông thường xuyên tham gia các chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như: VOSO, POSTMART nhằm quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Bên cạnh đó, gia đình ông cũng chủ động thành lập cửa hàng nông sản an toàn để giới thiệu, cung cấp trực tiếp sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Ông Thục khẳng định, việc được công nhận sản phẩm OCOP như một “thẻ bài”, mở ra nhiều cơ hội trong việc việc tiêu thụ sản phẩm mang đặc trưng của địa phương. Những sản phẩm OCOP thường được người tiêu dùng an tâm lựa chọn. Đây là động lực, niềm tin để các chủ thể mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm…
* Định danh sản phẩm địa phương
Với gần 90.000 ha đất canh tác phù sa, gần 17.000 ha đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản, Nam Định là tỉnh giàu tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp nhiệt đới và kinh tế thủy sản. Toàn tỉnh hiện có trên 600 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh nông lâm thủy sản, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Nhờ thế mạnh đó, từ năm 2019, Nam Định triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển được trên 430 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 55 sản phẩm OCOP 4 sao. Tỉnh có 2 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao vào năm 2024 là: Gạo sạch Toản Xuân 888 và Nghêu thịt hộp Lenger. Sản phẩm du lịch Ecohost (huyện Hải Hậu) có tiềm năng đạt 5 sao.
Nhằm đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, tỉnh đã dành kinh phí trên 10 tỷ đồng hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP 3 sao trở lên trong việc thiết lập mà QR code, hoàn thiện bao bì sản phẩm; xây dựng, nâng cấp các điể bán hàng OCOP; xây dựng website bán hàng trực tuyến cho các cơ sở sản xuất…
Tỉnh cũng tổ chức các tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để các hộ sản xuất, doanh nghiệp đưa sản phẩm tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài khu vực; khuyến khích các trường học trên địa bàn sử dụng sản phẩm OCOP phục vụ bữa ăn cho học sinh…
Tỉnh đã hỗ trợ Hiệp hội Nông nghiệp sạch và các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch và sản phẩm OCOP. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành hệ thống chuỗi hơn 100 cửa hàng tiện ích kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn; trong đó có 6 điểm bán hàng OCOP.
Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định thông tin, qua thời gian thực hiện, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều thay đổi về nhận thức, nhất là mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP từ đó không ngừng học tập, nâng cao trình độ, đầu tư trang thiết bị cải tiến kỹ thuật sản xuất, đưa sản phẩm ngày một phát triển về số lượng, nâng tầm về chất lượng.
Tỉnh Nam Định phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 5 sản phẩm OCOP 5 sao; ít nhất 70% số xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Để đạt được mục tiêu trên, hằng năm, ngành nông nghiệp tỉnh hướng dẫn các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, ổn định tại địa phương theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, gắn với duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.
Ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương khuyến khích các chủ thể OCOP đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP; xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn mới gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương./.