Thôn Tân Thượng, xã Lương Thiện huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có trên 98% dân tộc Dao đã tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế những năm gần đây nhờ trồng rừng.
TTXVN - Những năm gần đây, phát triển rừng đã trở thành hướng đi chính, mũi nhọn trong phát triển kinh tế, giúp đời sống của đồng bào các dân tộc tại xã 135 Lương Thiện, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có nhiều thay đổi tích cực. Nhiều gia đình người Dao ở xã Lương Thiện đã thực sự “đổi đời” nhờ trồng và phát triển rừng.
Xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang có 8 thôn với trên 6.500 nhân khẩu, trên 98% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Ông Lưu Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Lương Thiện cho biết, hiện nay, tổng diện tích rừng sản xuất của xã Lương Thiện là trên 2186 ha. Trong đó, rừng sản xuất của các hộ gia đình là trên 1688 ha, rừng thuộc Công ty TNHH lâm nghiệp Sơn Dương 498 ha. Phát triển kinh tế rừng đã mang lại nhiều đổi thay cho cuộc sống người dân địa phương. Cùng với việc mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người dân, trồng rừng giúp bảo vệ môi trường, tích tụ được nguồn nước, nhiều hộ tận dụng khe lạch làm ao nuôi cá, phát triển chăn nuôi.
Thôn Tân Thượng, xã Lương Thiện có trên 98% dân tộc Dao đã tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế những năm gần đây. Ông Triệu Văn Đoan, trưởng thôn Tân Thượng cho biết, thôn Tân Thượng có 79 hộ, cách trung tâm xã 7 km, chủ yếu là đường đất. Trước đây, kinh tế người dân của thôn rất khó khăn. Từ năm 2015 đến nay, từ phát triển kinh tế rừng, các hộ dân cũng đã khấm khá hơn nhiều. Hiện thôn có 300 ha rừng sản xuất, nhà ít cũng có 1-2 ha, nhà nhiều từ 7-10 ha. Từ rừng người dân đã có của ăn của để, nhiều nhà thoát nghèo, xây được nhà mới khang trang từ trồng rừng, điển hình như hộ Hộ ông Lương Văn Trường, Triệu Minh Khải, Bàn Văn Cương, Phan Văn Đường...
Gia đình anh Lương Văn Trường, dân tộc Dao thôn Tân Thượng có trên 9ha rừng keo, đã cho khai thác 3 lần. Anh Lương Văn Trường chia sẻ, vào mỗi đợt khai thác, đồi keo đẹp, đều cây, từ đủ 7 năm tuổi trở lên giá trị đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/ha. Nhờ trồng rừng, gia đình anh Trường đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được đầy đủ các vật dụng trong gia đình, có điều kiện cho con cái học hành, gia đình đã có của ăn, của để, chất lượng cuộc sống ngày một nâng lên.
Thôn Khuôn Tâm từng là thôn đặc biệt khó khăn của xã Lương Thiện. Tuy nhiên, những năm gần đây, đời sống nhân dân trên địa bàn có những khởi sắc tích cực từ khi phát triển rừng. Bà Triệu Thị Lưu Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn phấn khởi chia sẻ, thôn có gần hộ dân, hiên nay100% các hộ đều trồng rừng với tổng diện tích trên 610 ha. Có lợi nhuận từ rừng, người dân đầu tư thêm chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, mua máy xay xát. Thôn không còn nhà tạm, nhà dột nát, phần lớn các hộ đều có nhà xây khang trang, kiên cố.
Năm 2020, sau khi hoàn thiện, ngôi nhà xây 2 tầng rộng trên 200m2, trị giá gần 1 tỷ đồng của gia đình anh Dương Khánh Hoà là một trong những ngôi nhà xây khang trang và đẹp nhất của thôn Khuôn Tâm, xã Lương Thiện. Anh Dương Khánh Hoà chia sẻ, gia đình anh Hoà có trên 8 ha rừng trồng keo, khai thác gối nhau, trung bình mỗi 1ha đạt 100 triệu đồng, khai thác đến đâu anh lại trồng kế đến đó. Tất cả cơ ngơi gia đình anh Hoà có được ngày hôm nay là nhờ rừng, nhờ chính sách giao đất, giao rừng của tỉnh, người dân như anh mới có rừng để sản xuất, có cơ hội thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Ông Lưu Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Lương Thiện cho biết, trong thời gian tới, cấp uỷ chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con đẩy mạnh trồng rừng, nhân rộng mô hình nông, lâm kết hợp, giúp cải thiện thu nhập, tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế, xã hội; phối hợp với phòng, ban chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng rừng; vận động và tạo điều kiện cho bà con đăng ký trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC và phát triển rừng gỗ lớn.../.