Cùng với việc nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, các trường học tại Vĩnh Phúc luôn ưu tiên vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn.
TTXVN - Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có hơn 300 trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Cùng với việc nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, các nhà trường luôn đặt vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn lên hàng đầu, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, đảm bảo học sinh phát triển đồng đều cả về trí lực và thể lực.
Năm học 2023 - 2024, huyện Bình Xuyên có khoảng 23.000 học sinh các cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở; trong đó, có 19.000 học sinh đăng ký ăn bán trú tại trường. Đáp ứng nhu cầu, huyện đã đầu tư xây dựng bếp ăn một chiều tại tất cả các trường mầm non với cơ sở vật chất khang trang hiện đại. Các trường chưa có bếp ăn một chiều, được ký hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến suất ăn công nghiệp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của học sinh.
Đầu giờ sáng mỗi ngày, cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Canh A (thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên) cùng nhân viên nhà trường và đại diện phụ huynh học sinh có mặt tại khu vực tiếp nhận thực phẩm bếp ăn một chiều để kiểm tra các nguyên liệu thực phẩm trước khi đưa vào chế biến phục vụ cho hơn 1.000 học sinh. Các bước sau đó được thực hiện theo đúng quy trình, hướng dẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Xuyên. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà trường tăng cường phối hợp thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đầu vào các loại thực phẩm, phụ gia, nước uống, đảm bảo các thực phẩm đưa vào đơn vị đều có nguồn gốc, hạn sử dụng. Trường tạo điều kiện để phụ huynh cùng giám sát, công khai, minh bạch. Việc làm này được phụ huynh đồng tình và đánh giá cao.
Tại Trường Mầm non Hương Canh (thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên), cùng với việc đảm bảo nghiêm ngặt các quy trình chế biến đến bảo quản, lưu mẫu, theo quy định về thực hiện bếp ăn bán trú trong trường học, nhà trường đã chủ động xây dựng vườn rau sạch phục vụ cho 362 trẻ ở 16 nhóm, lớp. Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Canh cho biết, để góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho trẻ, trường đã trồng vườn rau sạch theo mùa để cung cấp thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày cho các em. Trong đó, ưu tiên trồng một số loại rau ngắn ngày, như: cải cúc, cải ngọt, mồng tơi, rau đay, rau muống và một số loài rau gia vị… Vườn rau được phân khu, giao cho các cô giáo phụ trách các nhóm lớp chăm sóc, bảo vệ. Vườn rau bảo đảm an toàn thực phẩm do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, được tưới bằng nguồn nước đảm bảo.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Oanh cho biết thêm, đối với các loại thực phẩm khác, nhà trường chỉ nhập theo hợp đồng mua bán với đơn vị cung ứng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tươi, mới. Quá trình giao nhận thực phẩm được Ban kiểm soát thực phẩm nhà trường, gồm: Ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh... cùng thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng. Đơn vị kiên quyết không nhập các thực phẩm đông lạnh, có dấu hiệu không tươi mới, không đảm bảo chất lượng. Hằng năm, các nhân viên nuôi dưỡng đều được tập huấn về an toàn thực phẩm, đảm bảo có trình độ nhất định về sơ chế, nấu ăn cho trẻ; được khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo không mắc bệnh truyền nhiễm.
Năm học này, huyện Sông Lô có 48 cơ sở giáo dục với tổng hơn 24.000 học sinh. Nhằm mang đến những bữa ăn ngon, an toàn, đầy đủ dinh dưỡng cho học sinh, các trường học trên địa bàn huyện Sông Lô luôn chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn và phụ huynh học sinh kiểm tra, giám sát quy trình chế biến món ăn nhằm giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cho đến nay, chưa có trường hợp học sinh ăn bán trú bị ngộ độc thực phẩm.
Mặc dù không tổ chức nấu ăn tại trường nhưng Trường Tiểu học Đức Bác (xã Đức Bác, huyện Sông Lô) luôn chú trọng công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm các bữa ăn bán trú trong trường học. Với hơn 30% tổng số học sinh đăng ký ăn bán trú, trường đã ký hợp đồng với công ty cung cấp nguồn thực phẩm và nấu ăn cho học sinh. Ngoài việc kiểm tra chặt chẽ những quy định về thủ tục pháp lý của công ty và các chứng chỉ, chứng nhận cần thiết của nhân viên phục vụ, chế biến bữa ăn, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn sát sao trong việc giám sát, quản lý tất cả công đoạn chế biến, bảo quản thực phẩm.
Cô giáo Vũ Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Bác cho biết, để bảo đảm nguồn thực phẩm tươi ngon, an toàn, nhà trường phân công Phó Hiệu trưởng phụ trách bán trú cùng nhân viên y tế học đường và mời đại diện phụ huynh thường xuyên kiểm tra các khâu tuyển chọn, sơ chế, chế biến thực phẩm. Việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất nhân viên nhà bếp thực hiện quy trình chế biến thực phẩm được nhà trường chú trọng. Bên cạnh đó, hằng năm, nhà trường đều chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ sở y tế tăng cường tập huấn, hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường ăn uống trong trường học.
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong bếp ăn bán trú tại các trường học trên địa bàn, ngay từ đầu năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu, các trường học và Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, đặc biệt là an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú. Các trường học, cơ sở giáo dục quản lý chặt chẽ việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin trong trường, tuyệt đối không để ngộ độc thực phẩm./.