Du lịch

Thành phố Hồ Chí Minh: Đổi mới sáng tạo trong phát triển khu, điểm du lịch

TP. Hồ Chí Minh

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện công tác công nhận điểm du lịch đạt hiệu quả; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, nâng cao chất lượng dịch vụ.

TTXVN - Trong 5 năm qua, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện công tác công nhận điểm du lịch đạt hiệu quả; các điểm du lịch ngày một đổi mới sáng tạo, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố. Đây là thông tin được Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện công nhận điểm du lịch trên địa bàn Thành phố, diễn ra ngày 28/12.

Theo ông Trần Ngọc Đông Quân, Trưởng Phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Sở đã phối hợp liên ngành tổ chức đoàn thẩm định thực tế tại các điểm tham quan du lịch đề nghị công nhận điểm du lịch. Trong đó, 26 điểm du lịch được công nhận trên địa bàn Thành phố gồm: Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Khu Du lịch sinh thái Vàm Sát, Di tích lịch sử Dinh Độc lập, Bảo tàng Áo Dài, Chợ Bến Thành, Đài quan sát Saigon Skydeck, Thảo Cầm viên Sài Gòn, Công viên văn hoá Lê Thị Riêng...

Trong thời gian tới, Sở Du lịch Thành phố tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thu hút và khuyến khích doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng; đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa đơn vị quản lý điểm đến với doanh nghiệp lữ hành cùng tham gia để hình thành các sản phẩm quy mô, chuỗi điểm đến.

Để phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác phát triển và quản lý hoạt động khu, điểm du lịch tại từng địa phương, Sở đề xuất Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động và quy định lắp đặt biển hiệu đối với các khu, điểm du lịch đã được công nhận.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Quang Duy, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt cho rằng, khu, điểm du lịch là nguyên liệu chính nhưng để thực sự tạo nên sản phẩm du lịch chất lượng, thu hút du khách thì cần sự tham gia liên kết của doanh nghiệp du lịch - lữ hành. Bản thân tài nguyên du lịch như khu, điểm du lịch đã mang trong mình những điểm thu hút riêng nhưng làm sao để giữ chân được du khách, quảng bá rộng rãi ra thị trường du lịch trong và ngoài nước lại phụ thuộc rất lớn vào những câu chuyện mà doanh nghiệp du lịch - lữ hành xây dựng mới truyền tải được hết giá trị của tài nguyên.

Cùng quan điểm, đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch - lữ hành trên địa bàn Thành phố cho hay, các doanh nghiệp là một trong những "kênh" đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu điểm đến, dịch vụ... đến với du khách trong và ngoài nước. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành đóng vai trò chủ chốt trong việc kết nối tour, tuyến, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy sự phát triển du lịch của mỗi địa phương.

Tại hội nghị, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao những ý kiến của sở, ngành, doanh nghiệp, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành. Đến nay, Thành phố có 366 tài nguyên du lịch được công bố, với 13 điểm đến gắn với giá trị tài nguyên tự nhiên, sinh thái; 225 điểm đến gắn với giá trị tài nguyên văn hóa vật thể; 8 hoạt động gắn với du lịch được hình thành từ các lễ hội dân gian, hiện đại, tập tục truyền thống; 120 điểm đến gắn với giá trị công trình nhân tạo. Thành phố đã công bố danh sách "Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị", trong đó một số khu, điểm du lịch tiêu biểu góp mặt trong danh sách này.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trì phiên tọa đàm tại Hội nghị. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN.)

Tuy nhiên, những điểm đến tiềm năng phong phú mà Thành phố Hồ Chí Minh có được tại các khu, điểm du lịch chưa được khai thác triệt để và liên kết hiệu quả để xây dựng thương hiệu du lịch trên địa bàn. Để liên kết với các khu, điểm du lịch có yếu tố "thuần Việt", doanh nghiệp du lịch - lữ hành cần đẩy mạnh xây dựng đa dạng sản phẩm du lịch gắn với yếu tố văn hóa của Nam Bộ hay văn hóa bản địa, tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, mang nét đặc trưng của Thành phố.

Một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp du lịch - lữ hành cần dành thời gian nghiên cứu, khảo sát để tìm hiểu tiềm năng xây dựng sản phẩm du lịch tại các khu, điểm tham quan. Để có thể liên kết với các khu, điểm du lịch trên địa bàn, trước hết doanh nghiệp lữ hành cần nghiên cứu thị trường khách tiềm năng và đảm bảo ý tưởng về các chương trình du lịch phù hợp, nhất là đối với thị trường có nguồn khách mới triển vọng trong và ngoài nước./.

Mỹ Phương

Xem thêm