Xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi phía Bắc
Công tác chuẩn bị và tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 đang được tỉnh Điện Biên triển khai tích cực.
TTXVN - Năm 2023, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có sự ảnh hưởng lớn bởi những tác động của COVID-19, song với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Chuẩn bị đón năm mới, Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024, phóng viên TTXVN tại Điện Biên có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh nội dung này.
* Phóng viên: Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, ông có thể đánh giá tóm tắt những thành tựu nổi bật của địa phương đạt được trong năm 2023?
* Ông Lê Thành Đô: Năm 2023, Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu lớn với 14/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Một số kết quả nổi bật như: Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,10%, cao hơn so với mục tiêu đề ra (đạt khá cao so bình quân chung cả nước - dự báo là 5%, đứng thứ 4/14 tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc). Điểm Chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2022 của tỉnh đạt 86,30/100 điểm (xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố; tăng hai bậc so với năm 2021 và cao nhất từ trước tới nay).
Việc Cảng Hàng không Điện Biên được mở rộng đưa vào khai thác trở lại từ ngày 2/12 sẽ là động lực, tạo đà cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển mạnh với mức tăng trưởng cao. Doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 26,45%; tổng doanh thu của hoạt động vận tải tăng 45,12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 33,76%... Công tác hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, các gia đình chính sách trên địa bàn được tập trung thực hiện hiệu quả. Công tác chuẩn bị và tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 đang được triển khai tích cực.
* Phóng viên: Những chỉ tiêu, mục tiêu trọng tâm tỉnh sẽ thực hiện trong năm 2024 như thế nào, thưa ông?
* Ông Lê Thành Đô: Năm 2024 được xác định là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; đồng thời là năm có ý nghĩa quan trọng với những dấu mốc lịch sử của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tỉnh Điện Biên xác định mục tiêu chung là tiếp tục đẩy mạnh cải các hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, đô thị, dịch vụ đồng bộ theo hướng hiện đại; đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển đột phá về kinh tế, xã hội. Tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, ngành; quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh; nâng cao hiệu quả đối ngoại…
Tỉnh đề ra một số chỉ tiêu trọng tâm như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 10,5%, GRDP bình quân đầu người đạt 49,05 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 14.192 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 20.951 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 23.900 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh) đạt 3.680 tỷ đồng, tăng 6,74% so với năm 2023. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ đạt 130 triệu USD; trong đó, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ đạt 88 triệu USD, nhập khẩu hàng hóa đạt 42 triệu USD...
* Phóng viên: Là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2024, ông có thể cho biết rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức sự kiện này và công tác chuẩn bị của tỉnh như thế nào?
* Ông Lê Thành Đô: Tỉnh gắn việc giới thiệu, quảng bá về Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cụ thể, Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 dự kiến có 169 sự kiện sẽ diễn ra; trong đó 13 sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức, 128 sự kiện do 33 tỉnh, thành phố hưởng ứng và 28 hoạt động do Điện Biên tổ chức. Một số sự kiện tiêu biểu, điểm nhấn gồm: Chương trình khai mạc Năm Du lịch Quốc gia và Lễ hội Hoa Ban; các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Liên hoan Ẩm thực toàn quốc năm 2024; Giải đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - Cúp Báo Quân đội nhân dân”; Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh “Non sông liền một dải - Niềm tin chiến thắng”…
Việc đăng cai Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 sẽ mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh miền núi Điện Biên. Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu đón 1,3 triệu lượt khách du lịch với tổng doanh thu từ hoạt động này đạt khoảng 2.200 tỷ đồng; số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt hơn 3 ngày. Hiện nay, các chương trình, dự án chỉnh trang đô thị, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc và Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, Dự án hạ tầng du lịch nằm trong Đề án tổng thể các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang được địa phương nỗ lực triển khai. Đây là những tiền đề, động lực quan trọng cho du lịch tỉnh cất cánh trong thời gian tới.
Các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Đây là cơ hội để địa phương tích cực kêu gọi, xúc tiến đầu tư với kỳ vọng đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Sự kiện còn góp phần kích cầu du lịch nội địa và quốc tế, phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, tạo bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng Điện Biên thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.
Để chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024, tỉnh đã có kế hoạch tổ chức, đồng thời đầu tư, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, hạ tầng đô thị; chỉnh trang đô thị, khu, điểm du lịch; khuyến khích nâng cấp, mở rộng quy mô các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch; trùng tu, tôn tạo các điểm di tích văn hóa, lịch sử, đặc biệt là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.
Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức các Tuần Văn hóa, du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa… nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Điện Biên; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024; thiết kế, sản xuất, in ấn các ấn phẩm, tài liệu, sản phẩm quà lưu niệm; thiết kế, in ấn maket quảng cáo, pano tấm lớn, poster, băng rôn, màn hình LED... tại các điểm công cộng phục vụ công tác tuyên truyền. Địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội...; tổ chức đón các đoàn famtrip khảo sát sản phẩm, điểm đến tại tỉnh Điện Biên.
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức trong lĩnh vực du lịch; các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng nghề du lịch, ngoại ngữ, cập nhật kiến thức cho quản lý, nhân viên phục vụ, người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là các hướng dẫn viên du lịch. Địa phương xây dựng, triển khai các kế hoạch tổ chức các sự kiện, hoạt động tiêu biểu của tỉnh trong năm 2024 như: Lễ hội Đua thuyền đuôi Én và Giải vô địch các Câu lạc bộ Dù lượn Quốc gia lần thứ IV, năm 2024; lễ hội Hoa Anh Đào, lễ hội Hoa Ban và lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024…
Với sự chủ động trong công tác chuẩn bị, hy vọng Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ được tổ chức thành công.
* Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển, vị thế của ngành du lịch Điện Biên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mục tiêu cụ thể của ngành đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030?
* Ông Lê Thành Đô: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phương hướng phát triển là lấy nông, lâm nghiệp là nền tảng, xây dựng là động lực và du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để phát triển. Trong đó, tỉnh xác định “Phát triển du lịch là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng và vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, ngành; khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên…”.
Địa phương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Tỉnh phát triển du lịch tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; xây dựng Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi phía Bắc trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.
Điện Biên có lợi thế về du lịch lịch sử, tâm linh như: Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; Đền thờ Liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng; Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ; đền thờ Hoàng Công Chất… và các Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao…
Địa phương có 19 dân tộc anh em với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, hấp dẫn về phong tục tập quán, sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống đang được bảo tồn, tôn vinh, phát triển trở thành nét văn hóa đặc trưng như: Lễ hội Hoa Ban, lễ hội Đua thuyền đuôi Én, các lễ hội, Tết truyền thống của đồng bào dân tộc người Thái, Mông, Lào, Hà Nhì… Đây chính là tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa sẽ được tỉnh quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới.
Với thế mạnh về tài nguyên du lịch sinh thái, Điện Biên đang xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên như: Nghiên cứu hệ sinh thái hồ Pá Khoang, khám phá Đảo hoa Anh đào, rừng di tích lịch sử Mường Phăng, đèo Pha Đin huyền thoại, chinh phục A Pa Chải - điểm Cực Tây của Việt Nam - Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, cao nguyên đá và hệ thống hang động tại huyện Tủa Chùa; các điểm nước khoáng nóng, tinh khiết với trữ lượng lớn như Pe Luông, Uva… phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe của du khách...
Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu đón hơn 1,45 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ hoạt động này đạt hơn 2.380 tỷ đồng, đóng góp khoảng 10% GRDP bình quân của tỉnh; đồng thời, xây dựng khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang cơ bản đáp ứng tiêu chí của khu du lịch cấp quốc gia… Đến năm 2030, địa phương phấn đấu đón hơn 2,65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 600 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ hoạt động này đạt hơn 5.000 tỷ đồng; đóng góp trên 10% GRDP bình quân của tỉnh.../.
* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!