Du lịch

Việt Nam đạt mục tiêu đón 12,5-13 triệu lượt khách quốc tế

Năm 2023, chỉ sau 10 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt kế hoạch. Ngành đề xuất tăng chỉ tiêu lên 12,5-13 triệu lượt. Đến giờ phút này, toàn ngành đã đạt được kết quả như kỳ vọng.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thanh Giang/TTXVN)

TTXVN - Hội thảo triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch năm 2023 đã diễn ra sáng 21/12 tại Hà Nội. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo nhằm trao đổi về việc quản lý, phát triển du lịch trong tình hình mới.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy nêu rõ: Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, du lịch của Việt Nam đã phục hồi và tăng tốc, đạt được như kỳ vọng. Trong năm 2023, chỉ sau 10 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt kế hoạch đề ra; ngành đã đề xuất tăng chỉ tiêu đón khách quốc tế lên 12,5-13 triệu lượt. Đến giờ phút này, toàn ngành đã đạt được kết quả như kỳ vọng.

Khách quốc tế tham quan trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh bằng xích lô. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam: Tổng số khách du lịch quốc tế trong năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu đặt (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt) của năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt; vượt 5,8%; tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Hình ảnh du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện.

Năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vinh dự nhận danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2023” lần thứ 4. Tại lễ trao giải thưởng toàn cầu, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức giải thưởng du lịch quốc tế (WTA) vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới và nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch nhận được nhiều hạng mục giải thưởng danh giá khác...

(Nguồn: Infographics.vn/TTXVN)

Tuy vậy cũng phải thẳng thắn thừa nhận, trong quá trình phát triển du lịch vẫn còn có những bất cập, điểm nghẽn trong quản lý nhà nước, kinh doanh về du lịch cần khắc phục, từ đó có những giải pháp hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, đáng lưu ý là hiện tượng người nước ngoài núp bóng hành nghề hướng dẫn; một số doanh nghiệp Việt Nam vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch (kinh doanh không có giấy phép, không đủ điều kiện theo quy định pháp luật, vi phạm về điều kiện ký quỹ, người điều hành; quảng cáo sai sự thật)...

Một số điểm đến du lịch còn tình trạng mất vệ sinh, không đảm bảo các điều kiện về an ninh, an toàn; chưa đủ năng lực phục vụ du khách vào thời kỳ cao điểm. Chưa tổ chức được chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam có quy mô, tính chất quốc gia, tạo tiếng vang, quy tụ nhiều địa phương, doanh nghiệp tham gia ở các thị trường mục tiêu...

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nêu nhiều nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới. Trong đó có tăng cường quản lý khu, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị tự nhiên, văn hóa cho phát triển du lịch bền vững. Các điểm đến bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; đặc biệt chú trọng đến vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách, “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.

Các bên liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là việc tuân thủ điều kiện kinh doanh du lịch đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Địa phương xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường ở các khu du lịch; nâng cao nhận thức người dân gắn với giáo dục môi trường và bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên.

Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Một nhiệm vụ quan trọng khác được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nêu là việc thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả. Trong đó, cần phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của những trung tâm du lịch lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa...) để hình thành vùng liên kết, động lực tăng trưởng du lịch (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - các tỉnh miền núi phía Bắc; Hà Nội với các tỉnh miền Trung, Huế - Đà Nẵng; Khánh Hòa - Ninh Thuận - Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận; Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang), hình thành “một cung đường, nhiều điểm đến”.

Các bên liên quan tăng cường quan hệ hợp tác công - tư theo cơ chế thị trường trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; có cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch. Mặt khác, các cơ quan cần nâng cao chất lượng tham mưu, đổi mới tư duy về quản lý và phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân đồng hành phát triển du lịch”.../.

Thanh Giang

Xem thêm