Du lịch

Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển du lịch nhanh và bền vững

Hà Nam

Ngành Du lịch tỉnh tích cực ứng dụng chuyển đổi số, góp phần quảng bá xây dựng hình ảnh du lịch Hà Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Giao diện trang web tra cứu thông tin của Khu Du lịch Tam Chúc (huyện Kim Bảng) bằng tiếng Anh. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Với nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng cùng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, Hà Nam thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Để bắt nhịp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành Du lịch tỉnh tích cực ứng dụng chuyển đổi số, góp phần quảng bá xây dựng hình ảnh du lịch Hà Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Khu Du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) đã ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến với hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Kênh quan trọng này góp phần tăng tính tương tác, hiệu quả tối đa để truyền thông, quảng bá; giúp du khách tìm hiểu thông tin, có thể mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa. Khu Du lịch Tam Chúc là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện ứng dụng quản lý, đảm bảo an ninh trật tự Khu du lịch bằng máy đọc thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, giúp việc xác minh, cập nhật thông tin cá nhân nhanh chóng và chính xác, tiết kiệm thời gian khi xử lý các hồ sơ liên quan đến công dân.

Nhiều du khách phấn khởi, đánh giá cao sự tiện lợi qua việc thực hiện quét mã QR bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VneID khi tới chiêm bái lễ Phật, thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây. Nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm tiện ích, Khu Du lịch đã triển khai ứng dụng hướng dẫn viên Al. Công nghệ này có khả năng tương tác thông minh với người dùng qua chat hoặc giọng nói, cung cấp thông tin về điểm tham quan, hướng dẫn đường đi với hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, để quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Khu Du lịch đến với du khách…

Chưa từng đến thăm Hà Nam nhưng ông Nguyễn Văn Anh (Thành phố Hồ Chí Minh) dễ dàng tìm được những thông tin cần thiết như điểm đến, các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng sau khi truy cập website và đặt vé qua hệ thông. Ông cho biết, nhân dịp có công việc ra phía Bắc, ông tìm hiểu thông tin trên mạng và biết các điểm đến tại Khu Du lịch Tam Chúc. Ông đã đặt vé thành công và rất dễ dàng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà (Truyền thông Công ty Dịch vụ du lịch Tam Chúc) cho hay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tại khu du lịch không chỉ giúp du khách ở xa biết và dễ dàng mua vé mà còn giúp cho Khu du lịch Tam Chúc ghi được những ấn tượng sâu sắc trên không gian mạng.

Trong năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam đăng ký thực hiện dự án: Phát triển thông tin quảng bá du lịch tỉnh và Nâng cấp hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch. Dự án nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch trước và trong khi thực hiện chuyến đi; giúp tối ưu hóa quản lý và phát triển du lịch dựa trên dữ liệu số, làm nền tảng đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số du lịch. Với chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng có kết nối internet, chỉ cần thao tác quét mã QR đơn giản, du khách sẽ có được những thông tin đầy đủ, chi tiết về di tích, danh lam thắng cảnh của điểm đến thăm quan. Đây là cách mà nhiều đơn vị, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai nhằm từng bước tích hợp và ứng dụng số hóa vào quảng bá di tích, danh lam thắng cảnh.

Chỉ cần thao tác “Quét mã QR” đơn giản sẽ có được những thông tin đầy đủ, chi tiết về di tích, địa chỉ đang thăm quan nhờ ứng dụng công nghệ công gian ảo VR 360 trên nền tảng số hóa kết hợp các video clip, âm thanh và hình ảnh 2D. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhiều di tích, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được triển khai gắn mã QR như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu lưu niệm Cát Tường (huyện Bình Lục); chùa Long Đọi Sơn (thị xã Duy Tiên); đền thờ 10 nữ liệt sỹ dân quan Lam Hạ; danh lam thắng cảnh Chùa Bầu (thành phố Phủ Lý); Khu Du lịch Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn, chùa Bà Đanh (huyện Kim Bảng)…

Ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phát triển du lịch là một trong những nội dung của Chiến lược quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch Hà Nam chất lượng, an toàn, mến khách, góp phần nâng cao mức độ trải nghiệm, thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách du lịch.

Ngành Du lịch tỉnh đã tăng cường triển khai các hoạt động liên kết vùng, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch trên các nền tảng truyền thông xã hội (Facebook, Youtube, Tiktok…), cũng như các nền tảng 3D, trực tuyến khác; triển khai nâng cấp hệ thống Website, trang mạng xã hội quảng bá du lịch phù hợp với xu hướng mới của thị trường; triển khai dịch vụ wifi công cộng miễn phí tại một số khu, điểm du lịch chính; chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Lực lượng chức năng kiểm tra giám sát hoạt động du lịch, hướng đến các thị trường mục tiêu, tiềm năng; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp thông tin, quảng cáo trên ấn phẩm quảng bá du lịch Hà Nam và các trang website của ngành Du lịch; thường xuyên ghi hình, chụp ảnh các hoạt động du lịch làm tư liệu phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến và xây dựng kho thuyết minh các khu, điểm du lịch.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam, thời gian tới, Sở đẩy mạnh hợp tác với các bên liên quan để thu thập, chia sẻ dữ liệu thông qua cơ sở dữ liệu dùng chung; xây dựng thông tin tên đường, biển báo, di tích văn hóa lịch sử; đưa vào hoạt động hệ thống thông tin số, hệ thống camera giám sát, kiốt thông minh ở các khu vực đón tiếp nhằm quản lý vé, lượng khách ra vào, giúp cho ngành quản lý, khai thác tài nguyên dài hơn và chuyên nghiệp hơn.

Trong năm 2023, lượng khách đến Hà Nam đạt 4,38 triệu lượt; doanh thu du lịch, dịch vụ ước đạt trên 3.382 tỷ đồng, gấp gần 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 109% kế hoạch năm. Đặc biệt, Hà Nam vinh dự được Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards), được vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023”./.

Đại Nghĩa

Xem thêm