Thiên tai, đặc biệt là mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất trong tháng 10/2023 đã làm 31 người chết, mất tích; 17 nhà sập đổ, 337 nhà bị hư hỏng, tốc mái...sạt lở nhiều tuyến đường... Thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 377,78 tỷ đồng.
TTXVN - Theo nhận định của các chuyên gia phòng, chống thiên tai và khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tác động lớn đến cộng đồng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 21/22 loại hình thiên tai, trong đó đã xuất hiện 5 bão, 3 áp thấp nhiệt đới; 173 trận mưa lớn...làm 166 người chết, mất tích, 126 người bị thương; 925 nhà sập, 14.998 nhà hư hỏng, tốc mái...và nhiều thiệt hại nghiêm trọng khác. Tổng thiệt hại ước tính trên 7.807 tỷ đồng. Dự báo, năm 2024 tiếp tục là một năm thiên tai khốc liệt khi El Nino còn ảnh hưởng đến nước ta tới khoảng giữa năm nay.
*Nâng cảnh báo thiên tai lên cấp 4
Một đợt mưa lũ lịch sử ở khu vực miền Trung đã xảy ra từ ngày 10-18/10/2023. Lần đầu tiên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phát đi bản tin cảnh báo rủi ro thiên tai mức 4 đối với hai địa phương là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trong đợt mưa lũ lịch sử này, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to, trong đó tại Đà Nẵng từ 900 - 1.200mm, có nơi trên 1.300mm, Thừa Thiên - Huế từ 800 - 1.100mm, Quảng Nam từ 700 -1.000mm; từ Hà Tĩnh - Quảng Trị và Quảng Ngãi từ 300 - 600mm. Một số trạm mưa rất lớn như: Thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) 1.381mm; Hòa Khê (Đà Nẵng) 1.399mm; Suối Đá (Đà Nẵng) 1.357mm; Đại Hiệp (Quảng Nam) 1.192mm.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa lớn từ ngày 13-18/10/2023 đã khiến nhiều đoạn đường trên Quốc lộ 49B, một số đoạn thuộc tuyến tỉnh lộ của Thừa Thiên - Huế ngập sâu tới 1m. Nhiều đất đá tràn mặt đường, nước chảy xiết. Huyện Phong Điền đã di dời 15 hộ với 21 nhân khẩu ở xã Phong Hiền; huyện Phú Lộc di dời 20 hộ, với 68 nhân khẩu ở xã Lộc Tiến; thị xã Hương Trà sơ tán 3 khẩu ở phường Hương Văn. Tính đến hết ngày 18/10, mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm 2 người chết và làm ngập, sạt lở nhiều tuyến đường.
Tại thành phố Đà Nẵng, mưa lớn đã làm ngập sâu 30-60 cm ở nhiều tuyến đường và khu vực thấp trũng, có nơi ngập sâu hơn 1m, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, hư hỏng nhiều phương tiện giao thông, làm thiệt hại các công trình, tài sản của người dân, ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế-xã hội. Thành phố Đà Nẵng đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, toàn thành phố đã sơ tán 2.316 người dân do ngập lụt; trong đó sơ tán tập trung 194 người, sơ tán tại chỗ 2.122 người. Mưa lớn gây ngập 9,5 ha rau màu trên địa bàn thành phố... Thiên tai, đặc biệt là mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất trong tháng 10/2023 đã làm 31 người chết, mất tích; 17 nhà sập đổ, 337 nhà bị hư hỏng, tốc mái...sạt lở nhiều tuyến đường với tổng khối lượng đất đá 22.193m3. Thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 377,78 tỷ đồng.
Đánh giá về tình hình mưa lớn tại khu vực miền Trung nói chung, tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng nói riêng thời gian qua, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, hình thái thời tiết điển hình của khu vực miền Trung thời gian qua là tác động của không khí lạnh cộng với dải hội tụ nhiệt đới và gió Đông (di chuyển từ phía Đông vào) gây mưa lớn. Đối với đợt mưa này, cơ quan khí tượng thủy văn đã có cảnh báo rất sớm tới các bộ, ngành, địa phương để làm cơ sở triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai hiệu quả.
*Ứng phó thiên tai từ sớm, từ xa
Nhận định về nguyên nhân thảm họa thiên tai, đặc biệt là mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cho rằng, công tác phòng, chống thiên tai còn bộc lộ tồn tại dẫn đến thiệt hại đáng tiếc về người. Việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương còn chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện, chưa sát với thực tế. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình công trình phòng, chống thiên tai nói riêng còn thấp. Bên cạnh đó, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả, trước hết cần tiếp tục thay đổi tư duy của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện phương châm chuyển từ "ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa" trong phòng, chống thiên tai.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai, có sự tham mưu, điều chỉnh các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của thiên tai; đầu tư nguồn lực cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo yêu cầu chính xác, kịp thời. Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai.
Dự báo, tình hình thiên tai trong năm 2024 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong những tháng đầu năm, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 95%. Đến khoảng tháng 3-5/2024, xác suất của hiện tượng El Nino giảm xuống mức từ 60-85%. Do vậy, để công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các bộ ngành, địa phương cần tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, có giải pháp kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra ngay từ trước mùa mưa lũ.
Đặc biệt, El Nino xảy ra với hệ quả là hạn hán, xâm nhập mặn diện rộng. Để ứng phó với những hiện tượng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương thực hiện giải pháp phi công trình lên trước, đó là: Sử dụng nước tiết kiệm. Các khu vực có nguy cơ bị hạn phải tính toán tích nước tập trung một cách hợp lý để dùng cho khi hạn hán xảy ra.
Về giải pháp công trình, Bộ cùng các đơn vị liên quan đang đẩy nhanh triển khai thi công các công trình ứng phó hạn mặn; thực hiện nạo vét kênh mương, các điểm tích trữ nước để tích nước tập trung, đặc biệt là Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện quy hoạch phòng, chống thiên tai, thủy lợi đoạn đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và bắt đầu triển khai các quy hoạch lưu vực sông. Đây là căn cứ quan trọng để các địa phương hoàn thành quy hoạch tỉnh, thành phố và quy hoạch quốc gia.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, quy hoạch về thủy điện cần được hoàn thiện nhằm tăng cường năng lực cắt lũ cho các hồ chứa, đảm bảo nguồn nước cho tưới tiêu. Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xây dựng; quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai; phát triển diện tích, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển. Ngành Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đối với việc tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong điều kiện thiên tai ngày càng khốc liệt, cực đoan. Ngoài ra, các ngành, địa phương cần đa dạng hóa việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai./.