Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, thiên tai ngày càng phức tạp, công tác phòng, chống thiên tai cần chủ động, từ sớm, từ xa.
TTXVN - Chiều 22/12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Dấu ấn phòng, chống thiên tai năm 2023". Chương trình được phát trực tiếp trên trang facebook Thông tin phòng, chống thiên tai.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2023, ở nước ta, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền với hơn 1.100 trận trong 21/22 loại hình thiên tai.
Từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai đã làm 166 người chết, mất tích (bằng 95% so năm 2022). Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng (bằng 42% so với năm 2022). Trước sự bất thường, cực đoan của thiên tai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp ứng phó.
Trong năm 2023, hành động sớm để ứng phó thiên tai là cần thiết và đã phát huy được hiệu quả. Hành động sớm để ứng phó thiên tai thể hiện ở việc chuẩn bị sẵn sàng với các hoạt động như xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và tổ chức diễn tập theo phương án đã phê duyệt; ban hành sớm các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai từ sớm, từ xa và thông tin đến các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động ứng phó. Việc hành động sớm đã giúp chính quyền và người dân chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa trong phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt đảm bảo an toàn về người, hướng tới xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai.
Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, thiên tai ngày càng phức tạp, công tác phòng, chống thiên tai cần chủ động, từ sớm, từ xa. Các bộ, ngành, địa phương cần triển khai nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, người dân, cộng đồng. Xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư; thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách.
Các cơ quan chức năng, liên quan tiếp tục thực hiện việc nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai, dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai; nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng...
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tính từ đầu năm 2023 đến nay có 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (5 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới). Nắng nóng diễn ra gay gắt, có nơi nhiệt độ lên đến 44,2 độ C. Mưa lớn xảy ra tại khu vực miền Trung đặc biệt là các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam với lượng mưa trên 800mm, có nơi mưa trên 1000mm. Theo thống kê, 35 tỉnh, thành phố đã chịu ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất. Công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất vẫn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2023, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm tăng cường mức độ chi tiết các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, trọng tâm là ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, xác định ngưỡng mưa chi tiết hơn. Trung tâm đã tăng cường độ phân giải dự báo mưa định lượng lên 1-3 km, sử dụng đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu tạo bản đồ mưa như dữ liệu quan trắc, radar, mô hình số nhằm xác định khu vực xuất hiện các tâm mưa lớn phục vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét được xử lý kết hợp các lớp thông tin về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, các ngưỡng mưa và đặc biệt là các thông tin về dân sinh, kinh tế,… đã được bổ sung để tạo ra bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất hỗ trợ công tác dự báo. Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét và sạt lở đất thời gian thực đang được đưa vào dự báo nghiệp vụ, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cảnh báo. Trang web tham khảo được cung cấp trực tuyến tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo góp phần vào việc giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra.
Nhận định về thời tiết trong những ngày tới, ông Hoàng Phúc Lâm cho rằng, khu vực Bắc Bộ trong đó có Thủ đô Hà Nội vẫn diễn ra tình trạng rét đậm, rét hại, đặc biệt là vào ban đêm nhiệt độ sẽ giảm sâu, ngày trời nắng. Sau ngày 25/12, thời tiết có xu thế ấm lên, nhiệt độ ban ngày khoảng trên 20 độ C.
Khu vực Trung Bộ từ ngày 22 - 24/12 có mưa to, sau đó mưa giảm dần. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng, nhiệt độ có thể lên tới khoảng 34 - 35 độ C.
Đề cập đến hình thái thời tiết những tháng đầu năm 2024, ông Hoàng Phúc Lâm cho hay, dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của không khí lạnh. Dịp Tết Nguyên đán năm 2024 có khả năng thời tiết đẹp.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi những nội dung liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, khí tượng thủy văn.../.