Thông qua dự án, nông dân áp dụng các giải pháp canh tác giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường quản lý chất thải rắn từ các ao nuôi tôm.
TTXVN - Chiều 19/12, tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu diễn ra Hội thảo tổng kết dự án “Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.
Dự án do Tổ chức Bánh mỳ Thế giới và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (thành viên của Liên đoàn ActionAid Quốc tế, bắt đầu thực hiện các chương trình hỗ trợ các khu vực nghèo và khó khăn nhất của Việt Nam từ năm 1989) đồng tài trợ, được triển khai tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu trong 3 năm (2021-2023).
Tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đánh giá: Đây là dự án phù hợp với người dân và mang lại hiệu quả trong nuôi tôm. Thông qua dự án, nông dân hiểu rõ hơn về nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu, cùng nhau củng cố, nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, áp dụng các giải pháp canh tác giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường quản lý chất thải rắn từ các ao nuôi tôm; từng bước góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội của người nuôi tôm đối với người tiêu dùng, cộng đồng, con người và thiên nhiên thông qua sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm điện trong nuôi tôm, lắp đặt hầm ủ biogas, nuôi tôm tuần hoàn nước, nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, đo phát thải khí nhà kính từ các ao nuôi tôm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Lộc, Phó Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, thành viên nhóm tư vấn cho biết: Giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng là nội dung mới, nhiều thách thức, nhưng cần nghiên cứu, triển khai sớm để góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế về “Đóng góp giảm phát thải do quốc gia tự quyết định” và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Lộc bày tỏ tin tưởng mô hình và phương pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi tôm mà Khoa và Dự án xây dựng, thử nghiệm thành công tại huyện Đông Hải hoàn toàn có thể sử dụng trong việc cấp chứng chỉ tôm phát thải thấp cho các vựa tôm đủ tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Trọng Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết: Trước khi thực hiện, địa phương chưa hình dung được mức độ phức tạp của dự án dưới các góc độ nghiên cứu khoa học, cơ chế chính sách và thách thức trong việc đi đầu xây dựng sản phẩm tôm có chứng nhận phát thải thấp. Trong chiến lược phát triển thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bạc Liêu sẽ trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 1,3 tỷ USD vào năm 2025. Vì vậy, việc dự án được hoàn thành một cách xuất sắc có ý nghĩa to lớn cho những người làm nông nghiệp, phát triển nông thôn theo hướng bền vững.
Dự án “Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long” có tổng kinh phí 920.000 Euro, đã góp phần hỗ trợ gần 5.000 người trong hơn 1.000 hộ dân chuyển đổi năng lượng trong nuôi trồng thủy sản và kinh doanh dịch vụ hỗ trợ; nuôi tôm dưới tán rừng theo phương pháp hữu cơ; lắp đặt bể biogas xử lý chất thải từ ao nuôi tôm.
Lượng phát thải khí nhà kính từ các ao nuôi tôm tại 4 xã thực hiện dự án (Long Điền, Long Điền Đông, Long Điền Tây và An Phúc) thuộc Huyện Đông Hải giảm 11,01%.
Từ kết quả ấn tượng này, tỉnh Bạc Liêu nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên kết quả của dự án./.
- Từ khóa:
- Bạc Liêu
- nghề nuôi tôm
- thích ứng
- biến đổi khí hậu