Đây không chỉ là ánh sáng của đèn điện bình thường, đó còn là ánh sáng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; ánh sáng của tiến bộ, văn minh đến với đồng bào dân tộc thiểu số.
TTXVN - Những ngày đầu tháng 3, mảnh đất địa đầu Tổ quốc - Hà Giang vươn mình trong cái rét ngọt của mùa Xuân. Đến thăm xã vùng biên Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, nơi thường xuyên hứng chịu nhiều loại hình thiên tai như mưa lũ, dông lốc, ngập úng, chúng tôi thấy được cuộc sống của người dân nơi đây đã “bớt khó khăn” hơn với những con đường bê tông, những căn nhà kiên cố. Đặc biệt, hệ thống đèn năng lượng mặt trời và cầu tránh lũ đã giúp người dân an toàn hơn trước thiên tai, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
* Hiệu quả từ thực tế
Được sự hỗ trợ của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời gồm 20 bóng và cột và 8 bóng và cột đèn do nhân dân thôn Suối Vui, xã Tùng Vài xây dựng đã góp phần đưa ánh sáng đến xã vùng biên này.
Anh Vương Phát Quý (thôn Suối Vui) cho biết, hệ thống đèn năng lượng mặt trời được lắp đặt tại địa bàn thôn rất hữu ích, giúp tiết kiệm năng lượng điện, thân thiện với môi trường, dễ lắp đặt do không phải đi dây cáp đấu nối với điện lưới, chỉ cần lắp khung móng rồi dựng cột lên. Điều này rất có ý nghĩa đối với người dân vùng sâu, vùng cao.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tùng Vài Phàn Chẩn Phúc chia sẻ, hệ thông đèn trên được Đoàn Thanh niên xã tham gia lắp đặt trong tháng 12/2023 với công suất 300 W/bóng cùng hệ thống điều khiển tự động giảm mức tiêu thụ điện năng của đèn vào thời điểm ít người dân di chuyển. Đèn có cảm biến ánh sáng, tự động bật tắt nên không cần thao tác nhiều. Thời gian chiếu sáng lâu hơn, dự phòng được cho 2-3 ngày thời tiết “âm u”, không có nắng. Hệ thống đèn đã góp phần gìn giữ trật tự thôn bản, đảm bảo việc di chuyển, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có lũ lớn.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Vài Lục Giang Bằng, hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời bước đầu đã mang lại hiệu quả cho người dân vùng cao, hỗ trợ tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế tại địa phương. Đây không chỉ là ánh sáng của đèn điện bình thường, đó còn là ánh sáng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; ánh sáng của tiến bộ, văn minh đến với đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với hệ thống đèn năng lượng mặt trời, cây cầu bê tông tránh lũ tại thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài cũng góp phần phòng, chống thiên tai hiệu quả. Đây cũng là công trình do tổ chức ActionAid tài trợ với sự chung tay góp sức xây dựng của người dân trong thôn. Cầu tránh lũ rộng 2,5 m, dài 9 m, được khởi công xây dựng từ tháng 10/2022, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2022 đến nay.
Dẫn chúng tôi ra đầu điểm cầu, Bí thư Đoàn Thanh niên thôn Bản Thăng Nguyễn Thị Thủy không giấu niềm vui chia sẻ, cách đây chỉ vài năm, người dân Bản Thăng không dám mơ tới một nhịp cầu bê tông bề thế. Con suối Bản Thăng mang nước tưới cho bản làng nhưng cũng chính dòng suối ấy mỗi mùa lũ lại như một con ngựa bất kham, chỉ chực chồm lên chia cắt đôi bên.
Chị Nguyễn Thị Thủy vẫn chưa thể quên những ngày nước lớn khi chưa có cầu. “Lũ ầm ập dâng, khiến các các khu vực trong thôn bị ngập. Không ai sang được bờ vì lũ, thậm chí nhiều khu vực bị cô lập dài ngày”, chị Nguyễn Thị Thủy nhớ lại.
Cây cầu Bản Thăng được xây dựng có ý nghĩa dân sinh rất lớn; giúp hơn 7.000 người trong xã Tùng Vài không bị chia cắt trong thời gian mưa lũ. Cây cầu giúp 130 trẻ em của 50 hộ dân thôn Bản Thăng không phải nghỉ học trong thời gian mưa lũ.
Chị Thèn Thị Châm (thôn Bản Thăng) cho biết, trước kia, khi chưa có cầu, người dân phải đi qua hai ray sắt bắc ngang suối; mỗi khi nước lũ lên sẽ rất nguy hiểm. Tháng 12/2022, cây cầu được hoàn thành đã giúp người dân đi lại dễ dàng, giao thương của nhân dân đã thuận lợi, phát triển hơn.
Đánh giá về những mô hình hỗ trợ phòng, chống thiên tai tại Hà Giang, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, công tác phòng, chống thiên tai cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. Chính từ những nhu cầu, kinh nghiệm, kiến thức của người dân địa phương, các biện pháp, giải pháp ứng phó mới trúng và đúng. Hệ thống đèn năng lượng mặt trời hay cầu chống lũ là những cách làm hay, hướng tiếp cận thiết thực của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, phù hợp với tình hình thực tế Hà Giang.
* Giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng
Huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang là một trong những địa phương được Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam triển khai chương trình phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng từ năm 2007. Theo đó, hàng năm, mọi thôn bản tham gia chương trình đều tổ chức sử dụng công cụ đánh giá rủi ro để lập kế hoạch phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng.
Đến nay, 100% các xã tham gia chương trình đều có kế hoạch phòng, chống thiên tai chủ động, kết nối dễ dàng với ngân sách và hoạt động của Phòng Nông nghiệp huyện, là cơ quan chịu trách nhiệm điều phối các nỗ lực chuẩn bị và ứng phó với thiên tai cấp địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Đỗ Quang Dũng cho biết, đến thời điểm này, 100% thôn bản của 5 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Quản Bạ đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, sử dụng các công cụ đánh giá các mức độ rủi ro. Từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chủ động phòng chống, giảm nhẹ những rủi ro từ thiên tai trên địa bàn.
Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam Hoàng Phương Thảo nêu rõ: “Chương trình phòng, chống thiên tai của Tổ chức ActionAid tập trung vào 3 nội dung là chuẩn bị, ứng phó và phục hồi. Các chương trình được thực hiện tùy vào tình hình thực tế và điều kiện của từng địa phương”. Theo bà Phương Thảo, những chương trình của ActionAid Việt Nam là cơ hội để các tổ chức đóng góp thực chất cho công cuộc phòng, chống thiên tai tại Việt Nam thông qua những dự án từ cơ sở.
Tháng 10/2023, Việt Nam là nước chủ nhà Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11. Hội nghị đã thông qua thành công Tuyên bố Hạ Long, nêu rõ tầm quan trọng của việc hành động sớm và tăng cường chống chịu đối với thiên tai. Các cam kết được đưa ra trong Tuyên bố Hạ Long giúp định hướng cho kế hoạch giai đoạn đến năm 2028 của Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai bao gồm: Tăng cường lập kế hoạch, hành động sớm và ứng phó khẩn cấp với thiên tai; nâng cao nhận thức cộng đồng về chủ động phòng, chống thiên tai; cải thiện và phát triển hệ thống thông tin về rủi ro thiên tai cho cộng đồng.
Những kinh nghiệm hay về cộng đồng chủ động tham gia cảnh báo sớm, hành động sớm, giảm nhẹ rủi ro thiên tai thu nhận từ cộng đồng thôn Suối Vui và Bản Thăng, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ đã góp phần nâng cao vai trò của cộng đồng trong thực hiện bước đầu các cam kết tại Tuyên bố Hạ Long 2023 về hành động sớm của các nước ASEAN./.