Nỗ lực tìm lối ra cho kinh tế gia đình theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Hà Văn Lợi đã cải tạo khu đất, chuyển từ trồng lúa sang nuôi và cung ứng cá cảnh cho thị trườn, có khả năng cung ứng được khoảng 500 con cá cảnh các loại/ngày, thu nhập trên dưới 1 triệu đồng.
TTXVN - Với thâm niên gần chục năm nuôi cá cảnh, nhờ cần cù, chịu khó và nhạy bén học tập kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm thực tế sản xuất, ông Hà Văn Lợi (ngụ xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) đã đạt được thành công từ mô hình chuyển đổi sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Lợi có 2.500 m2 đất canh tác trồng mỗi năm 2 vụ lúa. Quê ông nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh, việc trồng lúa cho thu nhập không cao. Những năm qua, do thiếu phù sa bồi đắp, đất đai bạc màu. Người dân nơi đây phải đầu tư chi phí lớn nhưng lợi nhuận rất thấp, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Nỗ lực tìm lối ra cho kinh tế gia đình theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Lợi đã cải tạo khu đất, chuyển từ trồng lúa sang nuôi và cung ứng cá cảnh cho thị trường. Ông đã kiến thiết khu ruộng, đắp bờ bao xung quanh và chia đất thành nhiều ô nhỏ, lót bạt nylon bơm nước vào và thả nuôi, cho sinh sản, ương dưỡng nhiều loại cá kiểng đang được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ thuận lợi và hiệu quả kinh tế cao như: cá ba đuôi, cá Ông Tiên, Lựu đỏ, Kim Tiền, Mô li, Pan da… (nguồn gốc nhập nội).
Theo ông Lợi, mỗi loại cá có một tập tính, thói quen, cách chăm sóc và cho sinh sản, ương dưỡng khác nhau. Do vậy, người nuôi phải tìm tòi, học tập và nắm vững kỹ thuật từng loại cá mới có thể thành công. Nghề sản xuất cá cảnh đã tạo việc làm cho gia đình ông quanh năm và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội hơn so với trồng lúa độc canh trên vùng ngập lũ đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang).
Ông Lợi còn kết nối được thị trường tiêu thụ, giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm hàng hóa thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu và bán hàng qua mạng Internet... Nhờ chất lượng cùng nhiều loại cá độc đáo, sản phẩm của ông được thị trường cá cảnh trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Cơ sở cá cảnh của ông Lợi có khả năng cung ứng được khoảng 500 con cá cảnh các loại/ngày, thu nhập trên dưới 1 triệu đồng. Mỗi năm, trừ chi phí, ông còn lãi trên 350 triệu đồng từ mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả trên vùng ngập lũ. Ông Hà Văn Lợi vui mừng chia sẻ, từ khi chuyển đổi sang mô hình sản xuất cá cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh tế gia đình ông đã ổn định, xây được nhà cửa khang trang.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thành Nam Võ Văn Hát đánh giá cao mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả của ông Hà Văn Lợi. Học tập cách làm của ông Lợi, hàng chục hộ nông dân trên địa bàn xã đang áp dụng mô hình chuyên sản xuất cá cảnh cung ứng thị trường, nhiều nhất tại ấp 9A. Hội Nông dân xã đang xúc tiến thành lập Câu lạc bộ sản xuất cá cảnh nhằm quy tụ nông dân, chia sẻ kinh nghiệm và phát huy mô hình mới, hiệu quả trên địa bàn ngập lũ.
Không chỉ nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Hà Văn Lợi còn là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hưởng ứng sự vận động của chính quyền, đoàn thể về phát triển giao thông nông thôn theo chuẩn quốc gia, ông Lợi tự nguyện hiến thửa đất rộng150 m2 để Nhà nước mở rộng, nâng cấp và trải nhựa tuyến đường Tây Bưng Thôn Trang, kết nối mạng lưới giao thông liên ấp, xã. Từ đó, bà con mở mang giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa, thuận lợi trong việc học hành cho các cháu học sinh…
Ông Võ Văn Hát nhấn mạnh, đây chính là nhân tố tích cực giúp Mỹ Thành Nam hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, được công nhận xã nông thôn mới trong năm 2021 và đang hướng đến mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025. Trong công sức chung của cấp ủy, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân có sự đóng góp tích cực của gia đình ông Hà Văn Lợi trong việc tháo gỡ các điểm “nghẽn” để xây dựng nông thôn mới tại cơ sở…/.
- Từ khóa:
- Tiền Giang
- sản xuất
- nông dân