Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ban, ngành, đoàn thể nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
TTXVN - Cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, lượng hàng hóa tập trung về các chợ nhiều, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn tiểu thương các biện pháp để bảo đảm an toàn.
Chợ huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) có hơn 200 tiểu thương kinh doanh, buôn bán. Cuối năm, các mặt hàng tại chợ đa dạng, phong phú, trong đó, có nhiều mặt hàng dễ cháy như, vàng mã, vải, quần áo, giày dép, hàng khô... Ban Quản lý chợ thường xuyên phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ tuyên truyền tới tiểu thương quy định phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra.
Ông Bùi Văn Tài, tiểu thương kinh doanh quần áo cho biết, sau khi được Công an huyện tập huấn về công tác phòng cháy, chữa cháy, ông thao tác nhuần nhuyễn. Dịp Tết năm nay, ông và tiểu thương đầu tư hàng hóa nhiều nên thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy, sắp xếp hàng hóa gọn gàng để bảo đảm an toàn.
Bà Hà Thị Loan, tiểu thương kinh doanh vàng mã cho biết, chuẩn bị Tết Nguyên đán, bà nhập thêm một số mặt hàng phục vụ bà con. Là hàng dễ cháy, cửa hàng trang bị đầy đủ bình cứu hỏa, trước khi ra về, tắt cầu dao điện để bảo đảm phòng, chống cháy, nổ.
Theo Trưởng Ban Quản lý chợ Hoàng Văn Nam, để đảm bảo an toàn cháy nổ, đơn vị tuyên truyền cho tiểu thương dọn hàng gọn gàng, tránh lối ngăn lửa, trang bị vật dụng chữa cháy…
Các tiểu thương tuân thủ thông báo, nội dung tuyên truyền của UBND huyện và Ban Quản lý chợ. Mỗi tiểu thương đều tự trang bị một bình chữa cháy. Tại các điểm khu trung tâm, Ban Quản lý chợ giao thêm một bình chữa cháy cho tiểu thương để khi có sự cố xảy ra, thực hiện xử lý tại chỗ.
Huyện Buôn Đôn có 6 chợ đang hoạt động, chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở bà con thận trọng trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị tiêu thụ điện, chấp hành nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy tại nơi kinh doanh. Huyện yêu cầu các Ban quản lý chợ niêm yết nội quy phòng cháy, chữa cháy, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở nơi có nguy cơ cháy, nổ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Lê Văn Nuôi, vào dịp Tết, nhằm bảo vệ tài sản, con người, UBND huyện chỉ đạo ngành chuyên môn thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy. Ban Quản lý chợ phối hợp lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thu dọn hành lang, đảm bảo an toàn nếu có sự cố xảy ra.
Huyện chi ngân sách 940 triệu đồng nâng cấp, trang bị hệ thống nước, trụ truyền nước tại chợ huyện Buôn Đôn khi có sự cố xảy ra.
Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) khuyến cáo, cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường kiểm tra, kịp thời khắc phục thiếu sót, có thể phát sinh cháy nổ, sắp xếp hàng hóa cách xa nguồn lửa, đảm bảo điều kiện để lực lượng chữa cháy hoạt động hiệu quả…
Đối với khu dân cư, UBND các địa phương xây dựng, duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng và mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, điểm chữa cháy công cộng; xây dựng, thực tập phương án chữa cháy theo tình huống đề ra sát thực tế…
Mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy; thực hiện nghiêm quy định, nội quy an toàn. Khi phát hiện cháy nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh, ngắt nguồn điện, sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu để dập lửa; đồng thời, báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy hỗ trợ…
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành công văn gửi các đơn vị về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các địa phương đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy; củng cố, kiện toàn lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, quan tâm đầu tư, trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tổ chức lớp huấn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…
Năm 2023, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Đắk Lắk đạt kết quả tích cực, kiềm chế gia tăng số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Tính từ ngày 15/12/2022 đến hết tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ cháy, làm chết một người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 7,8 tỷ đồng. Các loại hình cháy xảy ra tại chợ, quán karaoke, kho, nhà ở…/.
- Từ khóa:
- Đắk Lắk
- phòng
- chống cháy
- nổ Tết Nguyên đán