Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân, tỉnh Ninh Thuận đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh của nông dân cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều người lao động.
TTXVN - Với vai trò nòng cốt trong phát triển các phong trào ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đã tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Hội Nông dân tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 52.000 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt tại 65 cơ sở Hội, 398 chi Hội và 1.033 tổ Hội. Các cấp Hội đã phối hợp với ngành Nông nghiệp, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hoạt động tư vấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, tăng hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, Hội hỗ trợ đào tạo nghề, vốn vay ưu đãi cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2023, Hội đã tạo điều kiện hỗ trợ cho 342 hộ dân vay vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh với tổng số tiền gần 10,5 tỷ đồng; triển khai 31 dự án trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản và các ngành nghề khác. Ngoài ra, các cấp Hội phối hợp ủy thác, tín dụng với các Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho 33.897 thành viên vay vốn với tổng dư nợ đến nay hơn 1.851 tỷ đồng để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Nhờ đó, các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh của nông dân cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều người lao động. Điển hình như mô hình: Sản xuất muối trải bạt chất lượng cao (của bà Trần Thị Tân, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải); Sản xuất nho giống (của ông Nguyễn Thường Lang, phường Mỹ Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm); Dịch vụ xay xát kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt (của ông Chamaléa Ninh, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc); Trồng Măng tây xanh kết hợp sử dựng hệ thống tưới nước tiết kiệm (của bà Châu Thị Xéo, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước)...
Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa các ngành, các cấp Hội đã đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, vận động các hộ nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng các mô hình như: Ứng dụng công nghệ bao lưới chống ruồi vàng vào sản xuất táo trên 868 ha; ứng dụng tưới tiết kiệm nước trên các loại cây trồng với tổng diện tích trên 15.800 ha. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 565 ha, hình thành 15 vùng chuyên canh hướng đến xuất khẩu, thu hút đầu tư 37 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Hội Nông dân tỉnh đã phát động phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua bình xét, toàn tỉnh hiện có 13.762 hộ đạt danh hiệu "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp. Tại các địa phương, hội viên hăng hái thi đua sản xuất, đóng góp tiền, hiến đất đai, công lao động để xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2023, địa phương có hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao); 50 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới (trong đó 2 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu). Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt.
Ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, Hội đang tập trung xây dựng chương trình hành động cụ thể hóa triển khai Nghị quyết Đại hội IX Hội Nông dân tỉnh và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII nhiệm kỳ 2023 - 2028; gắn với các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Năm 2024, Hội Nông dân tỉnh đặt mục tiêu thực hiện thắng lợi 16 chỉ tiêu và 4 nhiệm vụ đột phá trong công tác và phong trào nông dân. Hội phấn đấu kết nạp mới 2.750 hội viên, thành lập mới 65 chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; thành lập mới 7 hợp tác xã, 16 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng quỹ hỗ trợ nông dân bình quân từ 10%/năm trở lên, trong đó 2% là vận động từ nguồn ngoài ngân sách; 100% hộ hội viên cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hội phấn đấu xây dựng 70 mô hình sản xuất của hội viên nông dân gắn bảo vệ môi trường và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, để đạt được các mục tiêu đề ra, các cấp Hội tích cực huy động nguồn lực tiếp tục hỗ trợ hội viên vay vốn, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, các cấp Hội tăng cường vận động, hỗ trợ các hộ nông dân liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đầu ra thông qua sàn thương mại điện tử.
Hội tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả; bồi dưỡng nông dân điển hình làm kinh tế giỏi, có uy tín làm nòng cốt để trở thành giám đốc hợp tác xã, tổ trưởng sản xuất nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Các cấp Hội vận động hội viên phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường; chú trọng đẩy mạnh phong trào thi nông dân đoàn kết giúp nhau làm giàu, tích cực vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh./.