Thực thi chính sách

Ninh Thuận: Tạo động lực tăng trưởng mới cho năm 2024

Ninh Thuận

Tỉnh Ninh Thuận xác định 11 nhiệm vụ và 8 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện, phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 11-12% trong năm 2024.

Máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất tại huyện Thuận Nam. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

TTXVN - Để tạo động lực tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, tỉnh Ninh Thuận xác định 11 nhiệm vụ và 8 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện; qua đó phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 11-12% như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đặt ra.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, về kinh tế, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 11 - 12%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 101 - 102 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản chiếm 25 - 26%; công nghiệp - xây dựng chiếm 41 - 42%; dịch vụ 32 - 33%. Tỉnh phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 4.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 22.900 tỷ đồng; tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP 39 - 40%. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP 42%. Năng suất lao động khoảng 8 - 9% và tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP 12%.

Về xã hội, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 1,5 - 2%, riêng huyện Bác Ái giảm ít nhất 4%; có 2 - 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 - 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 64 - 65%. Lao động được đào tạo nghề đạt 9.500 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67 - 68%. Có 98,5% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Về môi trường, tỉnh phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng là 48,14%, hộ dân nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh đạt 99,7% và hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Bộ Y tế là 100%. 100% khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam chia sẻ, để thực hiện hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, tỉnh tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; tập trung triển khai các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024 để cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, giải pháp trọng tâm đột phá; qua đó để tổ chức triển khai sát thực tế, phù hợp, hiệu quả. Tỉnh tập trung vào 3 khâu đột phá, gồm: Tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, nhất là dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên vùng; tạo đột phá trong lĩnh vực đất đai để khơi thông nguồn lực.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung phát triển 6 ngành lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng như: Thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công; năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế đô thị. Tỉnh phấn đấu đưa giá trị gia tăng toàn ngành nông - lâm - thủy sản tăng từ 4 - 5%, ngành công nghiệp đạt 17-18%, ngành xây dựng đạt 23-24%, các ngành dịch vụ, du lịch đạt từ 9-10%.

Đặc biệt, tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với xúc tiến đầu tư; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đồng bộ với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngư dân phường Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm chuẩn bị ngư lưới cụ để vươn khơi đánh bắt thủy sản. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ông Trần Quốc Nam cho biết, ngoài tập trung phát triển kinh tế, tỉnh cũng quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế…; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. UBND tỉnh sẽ quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Song song đó, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp đột phá, quyết liệt để duy trì, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, tỉnh tiếp tục kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ. Tỉnh cũng quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội..., quyết tâm phấn đấu thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh giao.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời kế hoạch triển khai, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm 5 khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng. Nhờ đó, kết thúc năm 2023, tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn tỉnh (giá so sánh 2010) đạt 52.699 tỷ đồng, tăng 10,46% so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng GRDP trong năm 2023 đạt 25.732 tỷ đồng, tăng 9,40% so với năm 2022, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành cả nước và thứ 2/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm 1,72% (kế hoạch giảm 1,5 - 2%)... Đây là tín hiệu đáng mừng, động lực để tỉnh tiếp tục ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2024./.


Công Thử

Tin liên quan

Xem thêm