Nhận thức chuyển đổi số là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Yên Bái đã xác định rõ mục tiêu, phương hướng và lộ trình thực hiện của từng địa phương, đơn vị cho từng năm, từng giai đoạn.
Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình và chất lượng công tác chuyển đổi số, tạo tiền đề nâng cao hiệu quả ứng dụng xây dựng đô thị hiện đại và nông thôn mới thông minh; giúp cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
*Nâng cao chất lượng toàn diện
Nhận thức chuyển đổi số là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Yên Bái đã xác định rõ mục tiêu, phương hướng và lộ trình thực hiện của từng địa phương, đơn vị cho từng năm, từng giai đoạn. Tỉnh đầu tư thỏa đáng, đồng bộ theo hướng hiện đại cho cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi số, đảm bảo cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số chuyển biến mạnh mẽ, sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các nền tảng dùng chung đạt hiệu quả cao nhất. Trước hết là thúc đẩy ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động phục vụ chỉ đạo, điều hành, quản lý của cơ quan nhà nước.
Đến nay, toàn tỉnh có 95% thôn, bản, tổ dân phố có đường truyền Internet băng rộng cố định; 80% nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố có Internet; 100% thôn, bản được phủ sóng di động 4G, có 32 trạm phát sóng di động 5G được lắp đặt. Bước đầu ứng dụng thành công công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, IoT, điện toán đám mây… vào xây dựng và khai thác các nền tảng dùng chung, nền tảng đặc trưng của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Trần Huy Tuấn nhấn mạnh, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là cuộc cách mạng của cả hệ thống chính trị. Toàn thể cán bộ công chức, viên chức cần chủ động nâng cao nhận thức, hành động và trình độ để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số. Tỉnh khuyến khích, huy động cộng đồng doanh nghiệp và người dân tham gia chuyển đổi số theo phương châm "Toàn dân, toàn diện”.
Sau nhiều nỗ lực, chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Yên Bái đã vươn lên đứng thứ 15 cả nước; cổng dịch vụ công tỉnh được đánh giá, xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử; 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
*Đô thị văn minh, hiện đại
Là điểm sáng chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái, thành phố Yên Bái xác định lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực trong chuyển đổi số với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo. Bên cạnh việc đầu tư thỏa đáng nâng cấp hạ tầng, thúc đẩy ứng dụng toàn diện công nghệ số, thành phố tập trung tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân dân tích cực nâng cao hiểu biết, kỹ năng ứng dụng công nghệ số.
Người dân được hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng ứng dụng VNeID trong thực hiện các thủ tục trên cổng dịch vụ công quốc gia, nhất là sử dụng các ứng dụng số trong các giao dịch hành chính, thanh toán trực tuyến, như: Sổ tay đảng viên điện tử; nộp thuế phi nông nghiệp và các loại thuế khác qua ứng dụng Etax Mobile... Ông Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết, đến nay, toàn thành phố đã cấp và kích hoạt trên 92 nghìn tài khoản định danh điện tử. Nhờ vậy mà gần 90% người dân trưởng thành sử dụng thanh toán điện tử, trên 85% hộ gia đình thanh toán tiền điện, tiền nước không dùng tiền mặt; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet băng rộng đạt 95% và 96% người dân sử dụng thiết bị di động thông minh; 100% hộ kinh doanh được trang bị mã QR code để thực hiện giao dịch.
Trong lĩnh vực y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử và áp dụng các dịch vụ số như: Đặt lịch xét nghiệm tại nhà; bản đồ xe cứu thương; tiêm chủng trực tuyến; vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa…Có 88% người dân đến tuổi trưởng thành được cài đặt và sử dụng app "Sổ sức khỏe điện tử". Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã số hóa 100% hồ sơ học sinh, 100% học phí tại các trường được thu không dùng tiền mặt; ứng dụng phần mềm vnEdu và các công cụ trực tuyến như: Zoom, Teams và Google Meet để quản lý dạy và học.
Thành phố Yên Bái đang đầu tư hoàn thiện xây dựng mô hình chuyển đổi số cho 3 phường với các cấp độ khác nhau, đó là phường chuyển đổi số, phường chuyển đổi số nâng cao và phường thông minh; tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình "chợ 4.0" không dùng tiền mặt tại tất cả các chợ trên địa bàn. Thành phố hướng đến mục tiêu hết năm 2025, tăng tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên 45% và ít nhất đạt 86% công dân trong độ tuổi lao động là công dân số.
*Nông thôn mới thông minh
Để xây dựng thôn thông minh, tỉnh Yên Bái đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp với thực tế. Nhiều nông sản của nông dân đã được giới thiệu, quảng bá, giao dịch mua bán qua sàn thương mại điện tử, giúp kích cầu tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện tại, mạng Wifi được lắp đặt miễn phí ở 100% các điểm công cộng; gắn mã vạch và mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số cho các tổ chức, hộ dân tới 100% thôn, bản toàn tỉnh.
Ông Lê Trí Hà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc xây dựng những mô hình thôn, xã thông minh đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn tỉnh. Ứng dụng chuyển đổi số phủ khắp mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội vùng nông thôn Yên Bái, mang lại những giá trị thực chất, nhiều tiện ích cho người nông dân.
Nhiều mô hình hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán không dùng tiền mặt, tiểu biểu như duy trì Tổ chuyển đổi số cộng đồng để triển khai tới từng thôn bản, từng hộ kinh doanh. Điều đó đã giúp tăng cường quản lý hành chính và thuận tiện cho người dân từng bước xây dựng nông thôn thông minh. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động đăng ký và cấp mã số vùng trồng được triển khai đồng bộ, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Các doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại và đưa gần 200 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; triển khai mô hình "chợ 4.0” trên toàn địa bàn nông thôn đạt hiệu quả cao.
Với quyết tâm cao, nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng và phạm vi, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục mở rộng và không ngừng nâng cao chất lượng, mang lợi ích thiết thực phục vụ người dân, góp phần quan trọng để Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”./.
- Từ khóa:
- Yên Bái
- chuyển đổi số
- sâu rộng
- thực chất