Xây dựng Đảng

95 năm Ngày thành lập Đảng: Gắn xây dựng Đảng với phát triển kinh tế - xã hội

Yên Bái

Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái giành được nhiều kết quả trên các lĩnh vực.

80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái luôn phát huy tinh thần đoàn kết và sức mạnh tổng hợp, năng động, sáng tạo giành được nhiều kết quả trên các lĩnh vực.

* Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 7/5/1945, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ra đời ở thị xã Yên Bái. Ngày 30/6/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ, mở ra dấu mốc lịch sử quan trọng về ngày thành lập Đảng bộ tỉnh và bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh cách mạng.

Trải qua 19 kỳ đại hội và 80 năm xây dựng, phát triển, Đảng bộ tỉnh Yên Bái không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. Xác định công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị là nhiệm vụ then chốt, Tỉnh ủy Yên Bái lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thực hiện nghiêm túc, sát sao, quyết liệt, hiệu quả các kết luận, quy định của Trung ương và tỉnh Yên Bái về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Điển hình là Đảng bộ thành phố Yên Bái những năm qua đã quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo phương châm “giao việc, khoán sản phẩm”, bảo đảm “rõ việc, rõ người, rõ thời gian, rõ kết quả thực hiện”.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Yên Bái Đỗ Đức Minh cho biết, xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ xuyên suốt được Đảng bộ thành phố thực hiện thời gian qua. Trong đó, thành phố tập trung chăm lo xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nâng cao sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; các cấp ủy đổi mới cơ chế hoạt động, đổi mới phương pháp, tác phong công tác nhằm phát huy vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là chi bộ.

Đặc biệt, thành phố chỉ đạo các cấp ủy giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng thước đo định lượng công việc, đo lường hiệu quả lãnh đạo bằng sản phẩm đối với người đứng đầu; chú trọng chăm lo công tác phát triển Đảng, nhất là tổ chức đảng trong doanh nghiệp, lực lượng dân quân tự vệ; thực hiện tốt công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Nhờ đó, các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên gương mẫu và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Hiện Đảng bộ tỉnh Yên Bái có 12 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 456 tổ chức cơ sở đảng, trên 2.900 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và trên 62.700 đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh coi trọng thực hiện trách nhiệm nêu gương và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỷ lệ cán bộ, đảng viên thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương hàng năm đạt trên 93%; số cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương đạt 97%.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Trần Huy Tuấn thông tin, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí được Đảng bộ tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm. Năm 2024, cấp ủy các cấp và chi bộ giám sát chuyên đề với 308 tổ chức đảng, 1.491 đảng viên. Qua giám sát, kết luận, các tổ chức đảng, đảng viên thực hiện tốt các nội dung được giám sát. Năm 2025, Yên Bái tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh.

* Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Nhờ sự quan tâm, chú trọng công tác xây dựng Đảng nên hệ thống chính trị ở Yên Bái luôn đủ sức mạnh, trí tuệ để lãnh đạo quần chúng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trấn Yên là huyện miền núi vùng thấp của tỉnh Yên Bái. Qua 14 năm xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao. Trấn Yên trở thành điểm sáng tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái và khu vực Tây Bắc.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư chi bộ thôn Khang Chính, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên chia sẻ, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tỉnh Yên Bái, người dân trong thôn được thụ hưởng thành quả từ nông thôn mới đem lại. Đời sống bà con được nâng cao, nhất là với những người yếu thế trong xã hội càng được quan tâm, ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được đẩy mạnh giúp người dân gắn kết, yêu thương, sẻ chia nhiều hơn.

Bí thư Huyện ủy Trấn Yên Trần Anh Tuấn cho hay, trải qua 14 năm xây dựng nông thôn mới, Trấn Yên có bước phát triển vượt bậc, trong đó mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân được thực hiện. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt trên 58,2 triệu đồng/người, tăng 5,8 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,99% (giảm 27% so với năm 2011); tỷ lệ lao động có việc làm đạt 96,2% (tăng 6,5% so với năm 2011)… Qua đó cho thấy tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đạt từ 90% trở lên.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 Đảng bộ tỉnh Yên Bái xác định mục tiêu đưa tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”; trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Yên Bái đã tập trung quán triệt, triển khai, cụ thể hóa, ban hành sớm, đầy đủ, đồng bộ các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, đề án, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; bảo đảm toàn diện trên các lĩnh vực tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá. Giai đoạn 2021-2024, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,54%, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng; tỉnh hoàn thành gần 1.500 công trình hạ tầng đô thị, nông thôn mới, thủy lợi, trụ sở; hoàn thành thêm 1 cầu bắc qua sông Hồng, đưa Yên Bái trở thành một trong 3 tỉnh có nhiều cầu nhất trên sông Hồng; hoàn thành 15/26 công trình, dự án trọng điểm của nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần tạo động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đặc biệt, Yên Bái là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tiêu chí “hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, hướng tới mục tiêu xây dựng “tỉnh hạnh phúc”.

Năm 2024, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 66,52%, tăng 0,90% so với năm 2023 (65,62%). Nhằm tiếp tục nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, năm 2025, Yên Bái phấn đấu chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 68,3%. Trong đó, chỉ số hài lòng về cuộc sống đạt 58,66%; chỉ số hài lòng về tuổi thọ trung bình đạt 79,21%; chỉ số đánh giá tác động của môi trường nơi đang sinh sống 68,03%.

Tỉnh Yên Bái tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và người dân trong triển khai các nhiệm vụ nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân; nâng cao sự hài lòng của người dân về điều kiện kinh tế - vật chất, đời sống xã hội - tinh thần./.


Tuấn Anh – Đinh Thùy

Tin liên quan

Xem thêm