Xây dựng Đảng

95 năm Ngày thành lập Đảng: Nơi chi bộ Đảng đầu tiên ra đời tại An Giang

An Giang

Tháng 4/1930, Đặc ủy Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành thành lập chi bộ Đảng xã Long Điền, Chợ Mới gồm 3 đồng chí. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Chợ Mới, cũng là chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tỉnh Long Xuyên.

Nhà truyền thống Di tích lịch sử cách mạng Cột dây thép, nơi lưu giữ nhiều đồ vật, hình ảnh một thời đấu tranh giải phóng dân tộc của lãnh đạo và nhân dân huyện Chợ Mới, An Giang. 
Ảnh: Thanh Sang-TTXVN

Chi bộ Đảng xã Long Điền, Chợ Mới là chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Long Xuyên hồi ấy (nay là tỉnh An Giang) ra đời sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Từ chi bộ Long Điền, ánh sáng cách mạng của Đảng nhanh chóng lan rộng. Nhiều chi bộ Đảng ở Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang) lần lượt ra đời, lãnh đạo nhân dân vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.

*Cờ Đảng bay trên Cột dây thép

Sau hội nghị hợp nhất thành lập Đảng, tháng 3/1930, đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng vùng Hậu Giang chuyển thành đặc ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, cử cán bộ về các tỉnh xây dựng tổ chức Đảng. Cuối tháng 3/1930, các đồng chí Lê Văn Sô, Lưu Kim Phong được Đặc ủy Đảng Cộng sản Việt Nam hồi ấy cử về Long Xuyên phối hợp với đồng chí Nguyễn Văn Cưng tiến hành tuyển chọn những người tích cực trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội để kết nạp vào Đảng. Ban Chấp hành lâm thời tỉnh cũng được thành lập và tích cực tiến hành xây dựng các chi bộ Đảng.

Tỉnh Long Xuyên chọn Chợ Mới làm điểm phát triển tổ chức, vì nơi đây có phong trào cách mạng mạnh, có cơ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, là nơi tập trung đông đảo nông dân, thợ thủ công, trí thức sớm có tinh thần chống Pháp và tay sai. Sau quá trình tìm hiểu, tuyển chọn và bồi dưỡng, tháng 4/1930, Đặc ủy Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành thành lập chi bộ Đảng xã Long Điền, Chợ Mới gồm 3 đồng chí: Lưu Kim Phong, Bùi Trung Phẩm và Đoàn Thanh Thủy. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Chợ Mới, đồng thời cũng là chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Long Xuyên.

Để chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại này, chi bộ cử Lê Văn Đỏ, một quần chúng kiên trung treo lá cờ Đảng trên Cột dây thép tại xã Long Điền. Cột dây thép có chiều cao 30m với bốn chân trụ xiên theo bốn hướng, gồm hai cột. Một Cột dây thép bên này sông Tiền thuộc xã Long Điền A và một cột ở bên kia sông thuộc xã Tấn Mỹ (huyện Chợ Mới). Hai cột đối xứng nhau, với nhiều sợi dây thép to được giăng từ cột bên này qua cột bên kia sông tạo thành một mạng lưới dây thép vượt sông Tiền. Đây chính là mạng lưới thông tin được chính quyền thực dân lúc ấy dùng để thông tin liên lạc từ các xã bên này sông qua các xã bên kia sông và ngược lại.

Ảnh Cột dây thép nơi treo lá cờ Đảng vào tháng 4/1930 được trưng bày tại Khu di tích lịch sử cách mạng Cột dây thép, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. 
Ảnh: Thanh Sang -TTXVN

Tiếp sau đó, ông Lê Văn Đỏ với sự hỗ trợ gián tiếp của những quần chúng khác đã mang lá cờ Đảng lớn hơn, đưa lên và theo dây thép ra treo ở vị trí giữa sông Tiền. Cờ đỏ búa liềm phấp phới tung bay trên Cột dây thép khiến kẻ thù hoang mang lo sợ, còn nhân dân thì phấn khởi. Sau đó, cờ Đảng tiếp tục treo nhiều nơi trong huyện Chợ Mới.

Cột dây thép chính là điểm treo lá cờ Đảng lần đầu tiên của phong trào cách mạng tỉnh An Giang và là địa điểm tập hợp quần chúng đấu tranh của chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Chợ Mới năm 1930. Cột dây thép vào thời kỳ ấy còn là nơi tập trung của đông đảo quần chúng nhân dân biểu tình, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Những cuộc tuần hành biểu tình đã tạo nên cuộc đấu tranh rộng lớn ở Chợ Mới, đã có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với nông dân ở miền Tây Nam Bộ. Từ đó, Cột dây thép trở thành địa danh lịch sử cách mạng, tiêu biểu cho phong trào đấu tranh cách mạng từ những ngày đầu thành lập Đảng, cũng như các cuộc đấu tranh sau này.

Từ đây, lịch sử đã trao cho Chợ Mới vai trò “cái nôi cách mạng” của Long Xuyên - Châu Đốc. Từ chi bộ Long Điền (Chợ Mới), ánh sáng cách mạng của Đảng nhanh chóng lan rộng, cảm hóa nhiều người yêu nước và quần chúng cách mạng, đến cuối tháng 4/1930, nhiều chi bộ Đảng ở Long Xuyên, Châu Đốc lần lượt ra đời, lãnh đạo nhân dân vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1990, Bộ Văn hóa (này là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Cột dây thép là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

*Khởi sắc trên vùng đất anh hùng

Chiến tranh kết thúc, xã Long Điền và toàn tỉnh An Giang đối mặt với nhiều khó khăn khắc phục hậu quả chiến tranh; phục hóa những vùng đất bỏ hoang; xây dựng lại nhà cửa, trường học, trạm y tế; phát triển nông nghiệp, ổn định cuộc sống người dân... Đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy An Giang có chủ trương sáng tạo, phù hợp lợi ích của người dân như: điều chỉnh chủ trương “mua cao bán cao” thành “mua đúng bán đúng”, đưa đất về hộ nông dân, biến hộ nông dân thành hộ sản xuất cơ bản đã giúp giải phóng sức sản xuất, tạo bước ngoặt quan trọng cho sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới.

Bộ mặt nông thôn xã Long Điền A (huyện Chợ Mới) ngày càng khởi sắc, cơ sở hạ tầng hiện đại.
 Ảnh: Thanh Sang-TTXVN

Trong đó, nổi bật là một số chủ trương sáng tạo, đột phá như: Đẩy mạnh đầu tư vào thủy lợi, chuyển đổi từ lúa mùa 1 vụ sang lúa thần nông 2 vụ/năm, 3 vụ/năm; xóa bỏ các trạm “ngăn sông cấm chợ”; chương trình khai thác vùng Tứ giác Long Xuyên; khuyến nông, phát triển nông thôn, khuyến công, khai thác lợi ích từ các công trình thoát lũ ra biển Tây; xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình “Cánh đồng lớn”...

Nhờ những chủ trương đúng đắn, sáng tạo, đột phá, từ vùng đất còn nhiều hoang hóa thiếu đói, An Giang đã nhanh chóng phục hồi, phát triển; nông dân bội thu trong sản xuất, đời sống nâng lên rõ rệt. Từ tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực, năm 1988 sản lượng lúa của An Giang vượt qua mức 1 triệu tấn và hiện nay đạt trên 4 triệu tấn. An Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực, trung bình mỗi năm xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo.

Ngày nay, đến với nơi chi bộ Đảng đầu tiên tại An Giang, xã Long Điền A (huyện Chợ Mới) đã có bước chuyển mình về kinh tế, xã hội, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư; các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ, công nghệ thông tin… ngày càng phát triển.

Khu di tích lịch sử cách mạng Cột dây thép (xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) bên bờ sông Tiền. 
Ảnh: Thanh Sang -TXXVN

Ông Huỳnh Thanh Đồng, Bí thư xã Long Điền A (huyện Chợ Mới) cho biết: Những năm qua, Đảng bộ xã Long Điền A đã phát huy truyền thống cách mạng, những thế mạnh của địa phương đã chung sức, chung lòng đoàn kết nội bộ. Từ đó kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển, năm 2021 địa phương được UBND tỉnh công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã ngày được nâng lên. Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của xã là 55,6 triệu đồng/người/năm; đến năm 2024 tăng lên 79 triệu đồng/người/năm. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm, củng cố.

“Để tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, Đảng bộ xã Long Điền A tiếp tục xác định làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, chính trị cho cán bộ Đảng viên, nhất là giáo trục truyền thống cho thế hệ trẻ để giúp thế hệ này hiểu biết hơn về lịch sử địa phương. Từ đó xây dựng cho thế hệ trẻ xã Long Điền A những lý tưởng vươn lên, xây dựng địa phương giàu mạnh xứng đáng là cái nôi cách mạng của huyện, tỉnh” ông Đồng phấn khởi chia sẻ.

Phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, chặng đường tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang tiếp tục xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn đảng bộ; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tỉnh tập trung xây dựng hình ảnh An Giang phát triển giàu đẹp, văn minh, nhân ái, nghĩa tình; phấn đấu đến năm 2030 An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo đà đến năm 2050 An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững./.

Võ Thanh Sang

Tin liên quan

Xem thêm