Vai trò tổ chức Đảng trong sắp xếp đơn vị hành chính: Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn
Lần gần nhất, giai đoạn 2019 - 2021, Thành phố thực hiện sắp xếp cả cấp huyện và cấp xã, là tiền đề, kinh nghiệm quan trọng để thực hiện hiệu quả sắp xếp 80 phường ở giai đoạn hiện nay.
Giai đoạn 2023 - 2025, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 41 phường mới và đã đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2025. Để 41 phường hình thành và hoạt động hiệu quả sau sắp xếp, việc phát huy vai trò của các tổ chức Đảng rất quan trọng trong định hướng và chỉ đạo thực hiện.
* Sáp nhập để hiệu quả hơn
Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần thay đổi các đơn vị hành chính trong suốt chiều dài lịch sử. Lần gần nhất, giai đoạn 2019 - 2021, Thành phố thực hiện sắp xếp cả cấp huyện và cấp xã, là tiền đề, kinh nghiệm quan trọng để thực hiện hiệu quả sắp xếp 80 phường ở giai đoạn hiện nay.
Giai đoạn 2019-2021, Thành phố Hồ Chí Minh sắp xếp 3 quận để thành lập 1 thành phố và sắp xếp 19 phường thành 9 phường. Thành phố xác định sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức là một bước đột phá trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thành phố Thủ Đức là một địa phương điển hình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, đó là “sản phẩm” của quá trình sắp xếp 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 4 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp 2 cấp cùng lúc là rất khó khăn, nhưng Đảng bộ thành phố Thủ Đức cùng các cấp ủy địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời giúp việc sắp xếp đi vào thực tiễn, sớm ổn định.
Tại Hội thảo mô hình chính quyền đô thị thành phố Thủ Đức sau 4 năm thành lập gần đây, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy Thủ Đức chia sẻ, khi thực hiện sắp xếp bộ máy, thành phố Thủ Đức đã góp phần giảm mạnh đầu mối các phòng của 3 quận, từ 36 phòng của 3 quận trước đây, hiện nay còn 16 cấp phòng. Kinh tế của thành phố Thủ Đức ổn định và phát triển ở chiều hướng gia tăng.
Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, hiệu quả đầu tiên mà thành phố Thủ Đức đạt được chính là hiệu quả “cung cấp dịch vụ công” cho người dân. Bước đột phá là có được Trung tâm Hành chính công để phục vụ người dân tốt hơn.
Cùng với Thủ Đức, Quận 3 sắp xếp Phường 6, Phường 7, Phường 8 để thành lập phường Võ Thị Sáu. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng khi phường mới đi vào hoạt động, Quận ủy đã bố trí một Ủy viên Ban Thường vụ giữ chức Bí thư Đảng ủy và Quận ủy viên làm Chủ tịch UBND phường. Nhờ đó, Đảng ủy phường đã nhanh chóng lãnh đạo, định hướng để địa phương tập trung tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Trong qua trình sáp nhập, một số địa phương chia sẻ, việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức tại các đơn vị hành chính mới gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các cấp ủy đảng đã lãnh đạo, động viên cùng sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên giúp các địa phương vượt qua khó khăn, thách thức lúc đầu.
Theo ông Phạm Đăng Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Võ Thị Sáu, diện tích và dân số phường vẫn chưa bằng một số phường, xã khác. Tuy nhiên, phường tập trung rất nhiều mục tiêu trọng điểm về an ninh, chính trị, số lượng đảng viên nhiều, diện chính sách đông. Ông cho rằng, cần xem xét có cơ chế đặc thù cho phường mới về con người để thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả hơn.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhìn nhận, Thành phố đã có kinh nghiệm khi sáp nhập để thành lập phường Võ Thị Sáu (Quận 3) và sáp nhập ba quận thành thành phố Thủ Đức. Trong quá trình sáp nhập, có trường hợp cả năm cũng chưa hòa hợp về cách thức làm việc. Tuy nhiên, chúng ta làm vì công việc chung của địa phương thì sẽ vượt qua.
* Kinh nghiệm cho giai đoạn mới
Tại Quận 3, từ ngày 1/1/2025, phường 10 nhập vào phường 9, phường 13 nhập vào phường 12, qua đó thành lập phường 9 và phường 12 mới. Từ kinh nghiệm thực tiễn trước đó, khi sáp nhập các phường lần này, địa phương tiếp tục bố trí một Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy về làm Bí thư Đảng ủy phường mới. Đây được xem là cách để thực hiện hiệu quả sắp xếp, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng tại địa phương.
Bà Nguyễn Thanh Xuân, Bí thư Quận ủy Quận 3 cho biết, Quận ủy đã giao tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ Phường 9 và Phường 12 nêu cao trách nhiệm của người đảng viên, xây dựng thành một tập thể đoàn kết, thống nhất; thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các phần việc trong công tác sáp nhập. Điều này để địa phương sớm tập trung hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ phường.
Tại Quận 8, ông Võ Thành Khả, Chủ tịch UBND Quận 8 chia sẻ, công tác sắp xếp đơn vị hành chính là nhiệm vụ phức tạp, tác động đến nhiều lĩnh vực, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, Quận ủy Quận 8 đã thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Quận ủy trực tiếp làm Trưởng ban, nhằm đảm bảo công tác triển khai được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.
Đầu năm 2025, người dân đã đến các phường mới để làm thủ tục hành chính và các công việc liên quan. Nhiều người “bỡ ngỡ” khi thấy “cán bộ lạ” - người làm việc tại các phường khác trước đây. Dù vậy, các cán bộ địa phương đã nhanh chóng hướng dẫn, hỗ trợ để người dân hoàn thành thủ tục của mình ở “địa phương mới”.
Bà Đỗ Thùy Vân, Chủ tịch UBND phường Hưng Phú (Quận 8), cho biết do nhập ba phường thành phường Hưng Phú nên gặp khó khăn nhất định. Trong việc phục vụ nhân dân, dù địa phương đã tích cực tuyên truyền nhưng người dân không khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu đến phường mới giải quyết thủ tục. Do vậy, cán bộ, công chức của phường đã nhiệt tình hướng dẫn để người dân hiểu, thông cảm dần quen với phường mới.
Tại Quận 11, theo ông Đổng Văn Huy, Chủ tịch UBND Phường 7, địa phương đã quán triệt rõ ràng việc chuyển đổi thủ tục giấy tờ, hồ sơ cho người dân khi liên hệ với phường. Phường cũng đã xây dựng phần mềm công nghệ số riêng và đang từng bước hoàn thiện, khuyến khích người dân làm hồ sơ trực tuyến. Dù khó khăn và thách thức nhưng Ban Thường vụ Đảng ủy phường quyết tâm cùng với các cấp ủy, chính quyền hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Các phường hình thành sau sắp xếp được định hướng phải ổn định tổ chức, hoạt động với tinh thần sau sắp xếp phải tốt hơn. Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, việc sắp xếp không chỉ là nhiệm vụ của một vài địa phương mà là nhiệm vụ chung của thành phố, hướng đến sự phát triển bền vững. Các cấp ủy Đảng phải khẩn trương tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ phường, hướng tới Đại hội Đảng bộ quận.
Quan điểm của lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là các cơ quan, đơn vị phải duy trì hoạt động để đảm bảo không làm gián đoạn công việc của cá nhân và tổ chức, không ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Bài tiếp theo: Tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị