Xã hội

52 năm Ngày ký Hiệp định Paris: Vùng “đất lửa” hồi sinh mạnh mẽ, bước vào kỷ nguyên mới

Quảng Trị

Ngày nay, Quảng Trị không chỉ được biết đến là vùng đất bị chiến tranh hủy diệt đến hoang tàn mà vùng “đất lửa” đã hồi sinh mạnh mẽ đang tạo thế và lực để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sau 52 năm Ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973 - 27/1/2025) về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, khát vọng hòa bình và vươn lên vẫn vẹn nguyên trên vùng "đất lửa" Quảng Trị. Được gọi là vùng “đất lửa” bởi mỗi tấc đất, dòng sông, địa danh ở Quảng Trị đều ghi đậm dấu tích của một thời đạn bom với khát vọng sống, hòa bình và vươn lên của dân tộc.

* Góp phần trực tiếp vào thắng lợi

Hiệp định Paris được ký kết, quân và dân ta đã “đánh cho Mỹ cút” mở ra một giai đoạn mới để “đánh cho ngụy nhào” và là tiền đề tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975. Hiệp định này là một thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; trong đó mặt trận Quảng Trị góp phần trực tiếp vào thắng lợi này.

Chiến sỹ ta thoát khỏi ngục tù của Mỹ để trở về vùng giải phóng, trong buổi trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) ngày 9/3/1973. 
Ảnh: Chu Chí Thành/TTXVN

Sau thất bại trong Chiến dịch Trị - Thiên giải phóng Quảng Trị 1972, Mỹ - ngụy âm mưu tái chiếm Thành cổ Quảng Trị để có lợi thế trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Trong khi đó, quân và dân ta quyết tâm giữ Thành cổ Quảng Trị để cùng với thắng lợi ở các mặt trận khác trên cả nước buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris. Trong cuộc chiến đấu này, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima của Nhật Bản năm 1945.

Thế nhưng âm mưu và bom đạn của kẻ thù không thể khuất phục được ý chí của quân và dân ta. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, cùng với thắng lợi của quân và dân ta đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng đường không chưa từng có của Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12/1972 đã buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.

Đã 95 tuổi nhưng Trung tá Nguyễn Hữu Ý, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, nguyên Trưởng Ban trinh sát Tỉnh đội Quảng Trị vẫn còn nhớ rõ tinh thần của quân và ta ở mặt trận Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972. Ông Nguyễn Hữu Ý kể, tinh thần chiến đấu “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân ta trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã khiến Mỹ - ngụy chịu tổn thất vô cùng to lớn. Diễn biến này ở mặt trận Quảng Trị góp phần quan trọng vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris.

Bà Hoàng Thị Chẩm (75 tuổi, xã Trung Hải, huyện Gio Linh) nữ du kích 9 lần được phong “Dũng sỹ diệt Mỹ” giai đoạn 1969-1972, vẫn nhớ rõ không khí ngày Hiệp định Paris được ký kết. Theo bà Hoàng Thị Chẩm, ngay khi biết tin Hiệp định được ký kết quân và dân ta rất phấn khởi. Quân và dân ta hừng hực khí thế tiếp tục tiến lên quyết tâm đánh cho “ngụy nhào” để giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước mùa Xuân năm 1975.

* Điểm đến của “Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình”

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều người vẫn dành thời gian đến dâng hương, dâng hoa, viếng và tri ân gần 60.000 Anh hùng liệt sỹ đã được quy tập về 72 nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn Quảng Trị; trong đó có 2 nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn và Đường 9. Như nhiều gia đình khác, gia đình ông Nguyễn Văn Toàn, Phường 5, thành phố Đông Hà cũng đến viếng và tri ân các liệt sỹ ở Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 - nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sỹ.

Ông Toàn chia sẻ, trong niềm hân hoan đón mùa Xuân mới hòa bình và an vui, gia đình cũng nhớ đến công ơn của các Anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương để cho đất nước được hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do.

Với hệ thống gần 500 di tích lịch sử cách mạng, cùng những địa danh đã in đậm trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc như: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đường Hồ Chí Minh, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, Đường 9 - Khe Sanh - Làng Vây - Lao Bảo - Sân bay Tà Cơn - đồi Động Tri, Căn cứ Dốc Miếu, Quảng Trị thực sự là Bảo tàng chứng tích chiến tranh của Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, tỉnh đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu xây dựng Bảo tàng quốc gia “Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình” nhằm tái hiện, truyền tải câu chuyện thời chiến, khát khao hòa bình, thống nhất của dân tộc đến du khách trong và ngoài nước.

“Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình” cũng là bảo tàng chuyên đề nghiên cứu, sưu tầm lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về chiến tranh và công tác khắc phục hậu quả chiến tranh đưa lại cuộc sống ngày càng tốt đẹp, phồn vinh cho người dân Quảng Trị nói riêng, Việt Nam nói chung.

Tháng 7/2024, lần đầu tiên, tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ hội Vì hòa bình với thông điệp: “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”. Không gian chính của lễ hội diễn ra ở Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, các nghĩa trang liệt sỹ với nhiều hoạt động như, thả hoa đăng, thắp nến tri ân, khởi tiếng chuông khát vọng hòa bình. Lễ hội định kỳ hai năm tổ chức một lần, được kỳ vọng tạo ra điểm nhấn cảm xúc mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị và mỗi người dân Quảng Trị trở thành một đại sứ hòa bình.

* Tạo thế và lực bước vào kỷ nguyên mới

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, ngày nay, Quảng Trị không chỉ được biết đến là vùng đất bị chiến tranh hủy diệt đến hoang tàn mà vùng “đất lửa” đã hồi sinh mạnh mẽ đang tạo thế và lực để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá cả nước.

Bộ trưởng Bộ Xây Nguyễn Thanh Nghị dựng trao Quyết định công nhận thành phố Đông Hà là đô thị loại 2. 
Ảnh: Thanh Thuỷ/TTXVN

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tăng kết nối vùng và liên vùng, đưa Quảng Trị trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa và logistics của khu vực miền Trung. Các dự án: Cảng hàng không Quảng Trị, Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy giai đoạn 1, Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành và khai thác năm 2026. Quốc lộ 15D kết nối cảng biển Mỹ Thủy với Cửa khẩu quốc tế La Lay còn 42 km cần đầu tư xây dựng mới, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2025. Đây là tuyến giao thông theo trục Đông - Tây có vai trò quan trọng kết nối giữa khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào và Đông Thái Lan. hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tăng kết nối vùng và liên vùng, đưa Quảng Trị trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa và logistics của khu vực miền Trung.

Các dự án: Cảng hàng không Quảng Trị, Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy giai đoạn 1, Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành và khai thác năm 2026. Quốc lộ 15D kết nối cảng biển Mỹ Thủy với Cửa khẩu quốc tế La Lay còn 42 km cần đầu tư xây dựng mới, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2025. Đây là tuyến giao thông theo trục Đông - Tây có vai trò quan trọng kết nối giữa khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào và Đông Thái Lan.

Tỉnh đang chuẩn bị đầu tư Dự án cao tốc đường bộ Cam Lộ - Lao Bảo có chiều dài 56km, tổng mức đầu tư khoảng gần 14.000 tỷ đồng. Dự án này có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra khả năng kết nối đột phá và thúc đẩy phát triển đối với Quảng Trị và khu vực miền Trung; tạo thêm trục Đông - Tây song song Hàng lang kinh tế Đông - Tây hiện có và phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 9 hiện nay.

Tiềm năng về năng lượng đang được “đánh thức” để xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030. Quảng Trị có tiềm năng lớn về năng lượng với hơn 14.000 MW điện; trong đó tiềm năng nhất là điện khí, điện gió, điện mặt trời. Trong đó vùng miền núi phía Tây của tỉnh có điều kiện thuận lợi để làm điện gió khi tốc độ gió trung bình đạt 7m/s, địa hình đồi núi trải rộng và ít dân cư. Ở vùng đồng bằng và ven biển của tỉnh thuận lợi cho đầu tư xây dựng các nhà máy điện khí, điện mặt trời.

Về thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, các cơ quan Đảng của tỉnh làm gương thực hiện trước; sau đó đến các cơ quan, đơn vị khác đảm bảo có lộ trình khoa học, thống nhất. Sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan tinh gọn; chức năng, nhiệm vụ được phân định cụ thể, rõ ràng thống nhất; khắc phục tình trạng chồng chéo; giảm nhiều phòng, ban, chức danh, biên chế và tiết kiệm tài sản, ngân sách chi thường xuyên./.

 

Nguyễn Văn Lý

Xem thêm