Xã hội

Tết thịnh vượng đang về trên xã đảo Tam Hải

Quảng Nam

Những ngày gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, không khí đón Tết ở xã đảo Tam Hải luôn tấp nập từ đầu mối giao thông là bến phà Tam Hải đến từng gia đình.

Những ngày cuối năm, bến phà về xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam luôn tấp nập từ sáng sớm đến tối mịt. Trên mỗi chuyến phà, cùng với hành khách là các mặt hàng "đối lưu" hai chiều liên tiếp được đưa lên phà, lần lượt xuất bến. Hàng hóa đưa từ đất liền ra phục vụ nhân dân trên đảo là lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, trái cây, nước giải khát các loại, quần áo, giày dép, các mặt hàng gia dụng, vật liệu xây dựng và các mặt hàng thiết yếu khác; đa dạng về chủng loại, dồi dào về số lượng. Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ đảo chuyển vào đất liền là các loại hải sản tươi sống được ngư dân khai thác ven sông và ngư trường gần bờ, các loại tôm, cá, sò ốc, hàu nuôi trên sông, biển.

* Không khí Tết rộn ràng, thịnh vượng

Những ngày gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, không khí đón Tết ở xã đảo Tam Hải luôn tấp nập từ đầu mối giao thông là bến phà Tam Hải đến từng gia đình. Trên các tuyến đường chính, nhất là trục giao thông từ bến phà Tam Hải nối với các tuyến đường ven biển, khu dân cư đều đỏ rực màu cờ và tươi thắm sắc hoa, được chính quyền và người dân chung sức trang trí để đón Xuân, vui Tết, giúp bộ mặt xã đảo trở nên tươi trẻ hơn, tràn trề sức sống. Dưới bến sông, các đội thuyền đua của Tam Hải đang ra sức luyện tập để tham gia tranh tài với các địa phương khác dịp Tết, mở đầu cho một năm mới đầy bận rộn của xã đảo đang đổi thay từng ngày.

Chợ Tam Hải là nơi hội tụ sự hối hả, nhộn nhịp và thể hiện sự đầy đủ về đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân trên đảo. Chị Hường, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Tam Hải cho biết, chuẩn bị cho dịp Tết năm nay, ngoài việc dự trữ các loại hàng hóa thiết yếu như bánh, mứt, nước giải khát, chị còn đặt làm sẵn 300 đòn bánh Tét, 300 cặp bánh chưng để phục vụ khách hàng.

"Dự báo dịp Tết năm nay, thời tiết không thuận lợi, việc vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra đảo và ngược lại sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, các mặt hàng chủ lực, hàng hóa truyền thống phục vụ Tết đã được các tiểu thương dự trữ sớm và nhiều hơn năm trước để phục vụ khách hàng. Năm nay, người dân làm nghề biển được mùa, được giá; sức mua của người dân sẽ tăng mạnh vào những ngày cuối năm. Người dân xã đảo Tam Hải đang tất bật chuẩn bị đón Xuân, vui Tết an lành, thịnh vượng", chị Hường vui vẻ nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng, cùng với việc phát triển mạnh các nghề khai thác hải sản xa bờ với đội tàu có công suất lớn, chương trình nuôi hải sản nước ngọt, nước mặn của ngư dân xã đảo phát triển mạnh mẽ. Hiện, xã đảo duy trì 125 hồ nuôi tôm với tổng diện tích 30 ha, gần 100 hộ nuôi cá lồng bè, nuôi hàu thương phẩm với tổng diện tích gần 100 ha mặt nước.

Trong năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng tại xã đạt 672 tấn, đạt 143% chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm. Đáng mừng là đến nay, toàn bộ số hộ nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn ở xã đảo Tam Hải đều có bảng cam kết, kê khai kế hoạch, lịch mùa vụ sản xuất hằng năm để góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nuôi trồng một cách hài hòa, bền vững với môi trường tự nhiên.

Cùng với mũi nhọn là khai thác hải sản, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nhà hàng, dịch vụ du lịch ở xã đảo Tam Hải cũng phát triển mạnh. Toàn xã hiện có 4 cơ sở triền đà (là nơi kéo tàu từ mặt nước lên cơ sở sửa chữa), 13 tổ hợp cơ khí, 4 nhà máy sản xuất nước đá, đảm bảo khả năng sửa chữa tàu thuyền và cung cấp đá cây phục vụ cho nhu cầu đi biển của ngư dân địa phương.

Anh Lê Tấn Phước, chủ một cơ sở sản xuất đá lạnh cho biết, mỗi tháng cơ sở của anh sản xuất trên 2.000 cây đá lạnh, góp phần đáp ứng đủ nhu cầu dự trữ đá lạnh phục vụ việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch của ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi bám biển dài ngày.

* Thành quả từ chính sách hỗ trợ ngư dân

Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng cho biết, khai thác và nuôi trồng thủy hải sản là thế mạnh của địa phương. Toàn xã hiện có 431 phương tiện khai thác các loại, trong đó có 22 tàu có công suất lớn. Đây là nòng cốt trong các nghiệp đoàn nghề cá xa bờ của xã đảo Tam Hải. Năm 2024, ngư dân Tam Hải khai thác được 3.520 tấn hải sản các loại, đạt 110% kế hoạch và đạt tổng giá trị trên 92 tỷ đồng. Lao động trên các tàu câu mực khơi, nghề lưới vây có thu nhập bình quân từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng/người/tháng.

Để hỗ trợ ngư dân tự tin vươn khơi, chính sách hỗ trợ cho ngư dân của Nhà nước được các cấp, ngành tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn giải quyết kịp thời. Đặc biệt, Quyết định số 48/2010/QĐ-TTG ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, giúp ngư dân giảm chi phí, an tâm vươn khơi bám biển. Theo đó, trong năm 2024 vừa qua, toàn bộ tàu, thuyền xa bờ của ngư dân xã đảo Tam Hải đều được nhận hỗ trợ chi phí xăng dầu, mua bảo hiểm cho lao động trên tàu.

Trong năm 2024, UBND xã Tam Hải phối hợp cùng Chi cục Thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Hải đoàn 21 (Cảnh sát biển) tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Luật Thủy sản năm 2017. Nhờ vậy, tình trạng ngư dân vi phạm vùng ngư trường nước ngoài đã chấm dứt, các hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đã đi vào ổn định.

Phát huy những kết quả đạt được, mục tiêu của Tam Hải trong năm 2025 là khai thác trên 3.220 tấn hải sản các loại, nuôi trồng thủy sản đạt trên 470 tấn, nâng tổng giá trị ngành kinh tế thủy sản lên xấp xỉ 100 tỷ đồng, để kinh tế biển thật sự là kinh tế mũi nhọn của địa phương, góp phần tích cực kéo giảm hộ nghèo trong toàn xã xuống còn 2,4%.

Ngay từ đầu năm 2025, xã đảo Tam Hải đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể và khả thi với tinh thần vui Xuân, đón Tết tươi vui, lành mạnh, không để bất cứ hộ nào không có điều kiện đón Tết cổ truyền của dân tộc, không quên nhiệm vụ chính là phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững trật tự an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi đảo xa. Xã tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, nguồn lực hiện có của địa phương, với mũi nhọn là đẩy mạnh ngành Khai thác thủy sản xa bờ, phát huy hiệu quả các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, các nghiệp đoàn nghề cá.

Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng cho biết, trong năm 2025, địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để ngư dân tiếp cận các chính sách ưu đãi đối với ngành Thủy sản; tiếp tục khuyến khích, vận động ngư dân cải hoán tàu thuyền công suất lớn, áp dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để phù hợp với ngư trường hoạt động đánh bắt xa bờ. Xã tập trung phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ, chuyển mạnh từ sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung có quy mô lớn một số mặt hàng thủy sản chủ lực để kinh tế biển thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương./.

Đoàn Hữu Trung

Xem thêm