Sức khỏe

53/54 tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng chống bệnh sởi đạt 95,2%

Có 40/53 tỉnh đạt tỷ lệ tiêm trên 95%; 12/53 tỉnh tỷ lệ tiêm cao từ 90-95%. Chỉ còn Hoà Bình có tỷ tiêm dưới 90%.

Điều trị bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Thanh Nhàn. 
Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến hết ngày 3/4, có 53/54 tỉnh đã triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh sởi được 762.320/800.719 đối tượng, đạt 95,2%. Đặc biệt, thành phố Cần Thơ do đã hoàn thành việc tiêm chủng cho các nhóm đối tượng đạt tỷ lệ cao trong năm 2024 và đầu năm 2025 nên còn số ít đối tượng cần tiêm chủng và triển khai lồng ghép vào ngày tiêm chủng thường xuyên.

Có 40/53 tỉnh đạt tỷ lệ tiêm trên 95%; trong đó có 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao nhất bao gồm Bắc Giang (98,0%), Khánh Hòa (97,5%), Phú Yên (97,5%), Lạng Sơn (97,4%), Tiền Giang (97,3%); 12/53 tỉnh tỷ lệ tiêm cao từ 90-95%. Chỉ còn Hoà Bình có tỷ tiêm dưới 90% và đang tiếp tục tiêm vét cho những trẻ hoãn tiêm.

Bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác. Đặc biệt, bệnh sởi chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch trong cộng đồng đạt ít nhất 95%. Để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh Sởi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 25/3/2025 về việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh sởi.

Bộ Y tế đã chủ động huy động các nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời vắc-xin phòng bệnh sởi cho các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Cùng với chiến dịch tiêm chủng năm 2024 và 2025, trên cơ sở nhu cầu đề xuất của địa phương, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 2. Kế hoạch được triển khai tại 54 tỉnh, thành phố (trừ 9 tỉnh, thành phố gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cà Mau, Kon Tum, Long An, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu không nằm trong kế hoạch do đã hoàn thành chiến dịch tiêm chủng từ năm 2024/đợt 1 năm 2025) cho trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, trẻ từ 1- 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi theo quy định với mục tiêu bao phủ từ 95% trở lên.

Y, bác sĩ tiêm vaccine sởi cho học sinh tiểu học. 
Ảnh: Thanh Bình - TTXVN

Các tỉnh, thành phố đã khẩn trương triển khai các hoạt động rà soát đối tượng, tuyên truyền, vận động cha mẹ, người giám hộ đưa trẻ đi tiêm chủng, tổ chức các hình thức tiêm chủng linh hoạt phù hợp với đặc điểm của từng vùng, khu vực bao gồm tiêm chủng trong ngày nghỉ (thứ 7, chủ nhật) hoặc tiêm chủng buổi tối.

Trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi năm 2025 đợt 2, Bộ Y tế đã theo dõi chặt chẽ tiến độ triển khai tại các tỉnh, thành phố. Bộ đã tổ chức 2 cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để chỉ đạo, đôn đốc các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thành chiến dịch tiêm chủng (ngày 15/3 và 26/3/2025) đảm bảo kịp thời, an toàn và tiết kiệm, hiệu quả, kết thúc chiến dịch chậm nhất trong ngày 31/3/2025. Hàng ngày, các tỉnh, thành phố báo cáo cập nhật số liệu tiêm chủng, tỷ lệ sử dụng vắc-xin, thông tin về tình hình dịch bệnh để chỉ đạo kịp thời. Bộ Y tế có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch và đã thành lập 6 đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi tại 25 tỉnh, thành phố từ ngày 20-31/3/2025./.


Ngọc Bích

Xem thêm