Sức khỏe

Hai cuộc đời được tiếp nối từ nghĩa cử hiến tạng của chàng trai người Nùng

TP. Hồ Chí Minh

Hai bệnh nhân được ghép thận từ chàng trai người Nùng hiến tặng đã khỏe mạnh, xuất viện về nhà sau hơn 1 tháng phẫu thuật.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định ghép thận cho người bệnh. 
Ảnh: TTXVN phát

Sáng 4/4, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hai bệnh nhân được ghép thận từ chàng trai người Nùng hiến tặng đã khỏe mạnh, xuất viện về nhà sau hơn 1 tháng phẫu thuật. Đây là hai ca ghép thận từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đánh dấu bước tiến quan trọng trong lĩnh vực ghép tạng của đơn vị.

Hơn 1 tháng được cấy ghép quả thận mới, chị B.K.L (34 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn chưa hết ngỡ ngàng và vui mừng. Hai năm qua, chị L. đã phải chạy thận thường xuyên và trải qua nhiều đau đớn, bất tiện vì bị suy thận. “Công việc thì cầm chừng, con cái không thể chăm sóc khiến nhiều khi tôi rơi vào bế tắc. Nhưng nay nhờ quả thận của người hiến tặng, tôi đã có thể trở lại với cuộc sống như trước kia, tôi biết ơn rất nhiều. Tôi chỉ mong mình nhanh chóng khỏe lại và thắp một nén nhang cảm tạ người đã hiến thận”, chị B.K.L chia sẻ.

Còn anh H.T (41 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) vô cùng xúc động khi nhận được món quà quý giá từ người hiến tạng. Anh nói: “Tôi sẽ cố gắng chăm sóc sức khỏe thật tốt, sống thật tích cực để xứng đáng với món quà mà người hiến tạng đã trao cho tôi”.

Bệnh nhân được ghép thận trong ngày xuất viện. 
Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Tiến sĩ, bác sĩ Mai Phan Tường Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, đây là hai ca ghép thận từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đánh dấu bước tiến quan trọng trong lĩnh vực ghép tạng của đơn vị. Hiện, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đang có khoảng 200 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu. “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người để thực hiện các ca ghép thận khi có nguồn tạng hiến. Trong thời gian tới, bên cạnh ghép thận, chúng tôi sẽ triển khai kỹ thuật ghép gan để mang đến thêm nhiều hy vọng sống cho người bệnh”, bác sĩ Tường Anh cho biết thêm.

Trước đó, ngày 1/3, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận anh C.G.C (34 tuổi, dân tộc Nùng) trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở do đa chấn thương đầu, cổ, ngực. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy anh C. bị chấn thương sọ não nặng, tụ máu dưới liềm não, tụ máu màng cứng hai bên, xuất huyết khoang dưới nhện, phù não lan tỏa, gãy lún nhiều mảnh xương trán, thái dương… Sau khi nhập viện, dù các bác sĩ đã tích cực hồi sức cấp cứu chuyên sâu nhưng anh C. không có dấu hiệu hồi phục và được chẩn đoán chết não theo đúng quy định, quy trình xác định chết não của Bộ Y tế. Sau khi được đội ngũ y bác sĩ vận động, gia đình anh C. đã đồng ý hiến tạng. Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã thực hiện lấy tim, gan, thận để ghép cho người bệnh khác. Cụ thể, tim được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế, gan tách đôi chuyển đến Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Còn 2 quả thận được ghép ngay tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Một tháng sau ghép, hai người bệnh đã được xuất viện về nhà.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Thái Minh Sâm, nguyên Trưởng Khoa Thận – Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, người hỗ trợ Bệnh viện Nhân dân Gia Định ghép thận cho biết, việc Bệnh viện Nhân dân Gia Định triển khai ghép thận là một tín hiệu vui, giúp tăng độ phủ sóng mạng lưới cơ sở ghép tạng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề nguồn tạng hiến đang rất khan hiếm nên tỷ lệ ghép tạng từ người cho sống vẫn còn cao. Bác sĩ Thái Minh Sâm ước tính, hiện cả nước có khoảng 90.000 người bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối đang phải lọc máu. Điều này đặt ra vấn đề cần phát triển hơn nữa công tác vận động hiến tạng trong các bệnh viện và trong cộng đồng để ngày càng có nhiều người hiến tạng sau chết não, mở ra cơ hội sống cho người bệnh khác./.


Đinh Hằng

Tin liên quan

Xem thêm